Liên quan đến những nghi ngại về sự ưu ái với Tập đoàn Rạng Đông: UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm tra, xử lý

Bất động sản - Ngày đăng : 08:26, 20/07/2016

Báo Công lý đã đăng bài “Sự “ưu ái ” của tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông: Những uẩn khúc cần được làm sáng tỏ” đã nêu những nghi ngại mà dư luận ở Bình Thuận đặt ra về sự ưu ái của tỉnh này đối với Tập đoàn Rạng Đông…

Hai ngày sau khi báo đăng, ngày 15/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý thông tin này; nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh phản hồi cho Báo Công lý và cộng đồng quan tâm được rõ. Kết quả thực hiện báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 25/7/2016… Đây là động thái tích cực của lãnh đạo UBND tỉnh đương nhiệm trước vấn đề mà báo chí nêu. Chúng tôi sẽ trở lại khi có phản hồi chính thức từ UBND tỉnh Bình Thuận.

Liên quan đến vấn đề mà Báo Công lý đã nêu về việc UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Tập đoàn Rạng Đông xây cầu Phú Hài và cho phép Tập đoàn này thu phí BOT, mới đây, ngày 15/7/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chấp thuận việc dừng hoạt động Trạm thu phí Phú Hài (thành phố Phan Thiết) từ ngày 1/1/2017 theo đề xuất của Công ty cổ phần Rạng Đông. Mục đích của việc dừng hoạt động Trạm thu phí Phú Hài được phía Rạng Đông nêu ra là nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch và giảm ùn tắc giao thông tại khu vực đường ra Mũi Né. Trước đó, Công ty cổ phần Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Rạng Đông) được UBND tỉnh Bình Thuận chấp nhận đầu tư dự án cầu Phú Hài theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), lập trạm thu phí với thời gian thu 17 năm 6 tháng (từ tháng 5/2004 đến tháng 10/2021 chứ không phải 20 năm như thông tin phản ánh).

Liên quan đến những nghi ngại về sự ưu ái với Tập đoàn Rạng Đông: UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm tra, xử lý

 Trạm thu phí Phú Hài sắp “hoàn thành sứ mệnh”

Tuy nhiên, đề nghị dừng thu phí trước hạn gần 4 năm của doanh nghiệp này cũng có điều kiện kèm theo. Đó là đổi lại, Công ty Rạng Đông được giao đất và tài sản trên đất là nhà điều hành của trạm thu phí “nhằm bù đắp thiệt hại”. Khu đất này nằm trên mặt đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết đi Mũi Né.

Để có cơ sở giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Rạng Đông (giao đất và nhà điều hành trạm thu phí), UBND tỉnh yêu cầu các Sở căn cứ vào Hợp đồng BOT đã ký, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của dự án đến ngày 1/1/2017 và dự kiến từ ngày 1/1/2017 đến khi kết thúc Hợp đồng BOT. UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao các ngành liên quan xác định giá trị khu đất với mục đích sử dụng là đất ở và tài sản trên đất.

Đây được coi là việc làm được xem là thận trọng và khách quan của lãnh đạo UBND tỉnh đương nhiệm nhằm tránh những nghi ngại tiếp về sự ưu ái với Rạng Đông. Bởi lẽ, vị trí đất mà Rạng Đông đề nghị được giao đất và tài sản trên đất là nhà điều hành của trạm thu phí được coi là “đắc địa”, liên quan đến quy hoạch tổng thể của thành phố Phan Thiết. Hơn nữa, việc “đổi ngang” giá trị đất với khoản thu được trong gần 4 năm còn lại mà Rạng Đông nêu rằng “nhằm bù đắp thiệt hại” cũng là mối quan tâm của dư luận. Với chi phí ban đầu xây dựng cây cầu khoảng chục tỷ và đã thu phí trên 13 năm, liệu có thật Rạng Đồng thiệt hại để xin được “bù đắp” ?

Nhân sự kiện này, người ta liên tưởng đến Dự án Đồi Dương được UBND tỉnh Bình Thuận đầu tư với tổng mức 26,303 tỷ đồng và được giao cho Công ty Cổ phần xây lắp Rạng Đông thực hiện thi công. Công trình này được thi công từ 8/2007 đến tháng 7/2009 với tổng giá trị được chấp nhận thanh toán là trên 9 tỷ và khi còn dang dở thì doanh nghiệp này không thi công tiếp… Cùng với việc “ra giá” không thành nên bỏ lửng dự án Trung tâm thương mại (mà bây giờ trở thành “công viên bất đắc dĩ”) khiến người ta nghĩ đến nghi vấn có hay không chuyện “dễ làm, khó bỏ” của tập đoàn này (!?).

Liên quan đến khoản gần nghìn tỷ tiền sử dụng đất mà Rạng Đông chưa nộp, chưa biết đến bao giờ mới nộp trong khi nguồn ngân sách của tỉnh là “bức xúc”, dư luận mong muốn chờ xem tỉnh Bình Thuận có xử lý theo pháp luật về thuế mà cụ thể là về việc xử phạt đối với trường hợp chậm nộp thuế quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP. 

Huy Anh