Dự báo bất động sản 2016 tiếp tục xu hướng đi lên
Bất động sản - Ngày đăng : 06:10, 02/01/2016
Năm 2016, nhiều chuyên gia dự báo thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển mạnh, đi kèm với đó là dòng đầu tư (FDI) vào Việt Nam chuẩn bị cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định TPP.
Kinh tế vĩ mô hoàn toàn ủng hộ thị trường
Theo ông Đặng Đức Thành, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Nhà kinh tế (VEC), năm 2016, thị trường BĐS cũng giống như nhiều ngành kinh tế khác sẽ đứng trước cơ hội từ những nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua. Thêm vào đó, hàng loạt khung chính sách mới với Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015 đã “kích thích” thị trường.
Trong đó, đáng chú ý, Luật Nhà ở đã cho phép các tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Song hành cùng, đó là Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong suốt thời gian qua. Tỷ lệ người dân được mua nhà vay trả góp ngày càng tăng lên. Nhiều ngân hàng đã cho các công ty chuyên nghiệp kinh doanh BĐS vay đầu tư dài hạn, trong khi trước đây nhiều ngân hàng không cho vay và phần lớn cũng chỉ cho vay ngắn hạn. Đặc biệt, NHNN còn ban hành Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
An cư là nhu cầu chính đáng của người dân
Một điều không thể không nhắc tới là trong vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương đột phá chiến lược cơ sở hạ tầng, với mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cùng với một số công trình hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Hai trung tâm đầu não là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đang tích cực đầu tư xây dựng các tuyến đường, phát triển các khu đô thị… có tác động mạnh đến phát triển thị trường BĐS.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong số các yếu tố khách quan tác động tới thị trường BĐS Việt Nam, trước tiên phải kể đến lượng kiều hối. Năm 2015, dự kiến lượng kiều hối đổ về Việt Nam sẽ đạt khoảng 12 tỷ USD, tương đương năm 2014 và cao hơn năm 2013 (11 tỷ USD). Cùng với lượng kiều hối là nguồn vốn FDI. Nếu năm ngoái, lượng vốn FDI giải ngân đạt 12,4 tỷ USD, thì năm nay, dự kiến con số này sẽ đạt khoảng từ 11 đến 12 tỷ USD, còn lượng vốn đăng ký vào khoảng 22 tỷ USD. Trong số này, có một phần không nhỏ được dùng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, văn phòng, căn hộ cho thuê dành cho chuyên gia, chưa kể các khoản đầu tư trực tiếp khác vào lĩnh vực BĐS.
“Chọn mặt, gửi vàng” vẫn không thừa
Khảo sát tại một số sàn giao dịch BĐS cùng nhiều nhà đầu tư cho thấy, BĐS hiện nay càng trở nên “có giá” trong bối cảnh các thị trường đầu tư khác đang tỏ ra kém hấp dẫn hơn. Trong đó, giá vàng liên tục giảm trong một thời gian dài, thị trường ngoại tệ cũng không đủ sức kéo được nhà đầu tư, khi tỷ giá và lãi suất được nhà nước điều hành ổn định, lạm phát thấp. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra nhận định, năm 2015 chính là năm kết thúc giai đoạn tích tụ và xì hơi bong bóng của thị trường địa ốc Việt Nam. Thị trường đã có nhiều dấu hiệu tích cực về lượng giao dịch, sự chuyển dịch giữa các phân khúc, đặc biệt là việc giải quyết tồn kho BĐS cũng như tốc độ giải ngân của các gói tín dụng dành cho thị trường này.
Ông Võ cho rằng, niềm tin vào thị trường BĐS từ một bộ phận lớn khách hàng đã dần quay trở lại. Người mua nhà đã không còn tâm lý chờ đợi sự giảm giá của thị trường này mà thay vào đó, họ mua BĐS theo nhu cầu sử dụng thực tế của mình. Ông Võ cũng dự báo, năm 2016, thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục của năm 2015, đồng thời đây cũng là khoảng thời gian chưa cần bận tâm đến bong bóng BĐS.
Nhận định về thị trường BĐS 2016, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết: Nhìn chung, năm qua BĐS có ghi nhận sự tăng giá và biên độ tăng thực tế dao động từ 5 - 15%, đương nhiên không phải với mọi phân khúc thị trường và mọi dự án. Sự tăng giá này cũng phù hợp với quy luật khi thị trường đang bắt đầu đi lên từ đáy nhưng chưa đạt đỉnh. Nếu nhìn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ thấy, trong năm 2014 doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả cũng chỉ đạt lợi nhuận ở mức từ 5 - 15%, nhưng sang năm nay, con số này đã tăng lên thành 15 - 20%. Tuy nhiên, một dự án thông thường thời gian thi công xây dựng cũng mất 3 - 4 năm, do đó mức lợi nhuận này không phải là quá cao. So với thời kỳ bong bóng BĐS, đây là mức tăng trưởng bền vững.
Vấn đề quan trọng ở đây là mức giá cuối cùng khi đến tay người mua nhà vẫn ở trong phạm vi chấp nhận được, điều này cũng thể hiện qua những con số về độ thanh khoản hoặc lượng tồn kho BĐS giảm... “Năm 2015, bản thân tôi cũng như nhiều chuyên gia khác đã tư vấn cho giới đầu tư và người dân, nếu có khả năng tài chính hãy mua, đầu tư vào BĐS ngay tại thời điểm ấy, bởi những năm sau rất có thể giá nhà vẫn tiếp tục tăng”, ông Châu khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, hiện tại nguồn cung thị trường rất dồi dào, khắp cả Bắc - Trung - Nam, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên cả chủ đầu tư và thứ cấp không phải dễ “đẩy hàng”. Vì thế, việc chiết khấu được nhiều chủ đầu tư đưa ra. Do đó, các nhà đầu tư thứ cấp chỉ được hưởng lợi nhuận từ phần chiết khấu ấy, đương nhiên lợi nhuận cũng không cao. Thông thường phải 1 năm sau các nhà đầu tư này mới bung hàng ra bán, vào thời điểm đó nguồn cung bớt dồi dào và nhiều dự án hot bắt đầu khan hàng, cháy hàng. Nghĩa là, khi đầu tư vào thị trường BĐS tại thời điểm này, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn để mua được giá rẻ, với nhiều lựa chọn hơn. Nhưng, quan trọng hơn cả là các nhà đầu tư thứ cấp phải có tầm nhìn để “chọn mặt, gửi vàng” dự án của chủ đầu tư có uy tín, vị trí tốt và tiến độ đảm bảo.
Nhu cầu sở hữu về BĐS tại Việt Nam là có thật và ngày càng tăng lên, đây chính là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy thanh khoản của thị trường. Điều này có được là do lực lượng đông đảo thanh niên trẻ có nhu cầu về nhà ở khi lập gia đình. Ngoài ra, nhu cầu nhà ở còn đến từ quá trình đô thị hóa dẫn tới sự chuyển dịch lao động từ các vùng nông thôn ra thành thị. Từ những phân tích trên cho thấy, thị trường BĐS 2016 sẽ còn nhiều khởi sắc không phải là không có cơ sở.n