Nhiều sai phạm nghiêm trọng tại dự án triệu USD của Hà Nội
Bất động sản - Ngày đăng : 09:01, 12/12/2015
Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam và một số đơn vị thành viên với rất nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Sai phạm hàng trăm tỷ đồng
Dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì là dự án lớn của TP. Hà Nội, có tổng vốn đầu tư hơn 122 triệu USD, trong đó vốn ODA vay ưu đãi của Nhật Bản là 18 triệu USD, vốn trong nước 104 triệu USD.
Theo kết luận của TTCP, trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện dự án đã xảy ra một số sai phạm. Dự án được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 10/1997 nhưng thực tế, đến đầu năm 2012 mới được triển khai thực hiện; công tác khảo sát, quy hoạch diện tích sử dụng đất của dự án chưa sát với thực tế, dẫn đến tổng mức đầu tư và quy mô sử dụng đất của dự án phải điều chỉnh bổ sung tới 4 lần. Dự án tổ chức thực hiện chậm, không bảo đảm thời hạn như đã cam kết trong Hiệp định vay vốn ODA, phải điều chỉnh giảm nguồn ODA, tăng vốn trong nước và thời gian hoàn thành dự án, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA không cao, trong khi nguồn vốn trong nước còn khó khăn nhưng vẫn phải bổ sung bù vào phần vốn ODA để tiếp tục thực hiện phần còn lại của dự án do Hiệp định vay vốn ODA kết thúc.
Một góc đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì.
Kết luận cũng chỉ ra, UBND TP. Hà Nội không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm quy định của pháp luật. Việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện chậm, nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện chính sách tạm cư phải kéo dài nhiều năm, đời sống của các hộ gia đình bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở chưa được ổn định, dẫn đến hiệu quả của chính sách tái định cư không đạt được mục tiêu đề ra.
Về thực hiện một số gói thầu của dự án, TTCP đã phát hiện hàng loạt sai phạm, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng như việc bán thầu của một số nhà thầu sau khi trúng thầu là sai quy định, thu lợi bất chính, trong đó gói thầu số 4, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, qua hai lần chuyển nhượng trái phép thu gần 4 tỷ đồng; gói thầu 8 giếng ngoài đê, nhà thầu thi công xây dựng là Tổng Công ty cấp thoát nước và môi trường Việt Nam, qua hai lần chuyển nhượng trái phép thu hơn 1,65 tỷ đồng…
TTCP cũng cho biết, trước đó, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra kết luận một số nội dung và đưa ra kiến nghị trong giai đoạn đầu của dự án nhưng không được UBND thành phố đốc thúc chỉ đạo triệt để, có tính chất buông xuôi trong thời gian dài, dẫn đến việc thu hồi số tiền sai phạm về ngân sách Nhà nước bị thất thoát. Hiện vẫn còn số lượng tiền lớn sai phạm cho đến nay chưa thực hiện, với tổng số tiền trên 97 tỷ đồng.
Với những sai phạm trên, TTCP kết luận trách nhiệm thuộc UBND TP. Hà Nội, chủ đầu tư mà cụ thể là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội và các dự án trọng điểm phát triển đô thị và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
TTCP kiến nghị UBND TP. Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh toàn bộ tồn tại, sai phạm, yêu cầu thu hồi số tiền thất thoát về tài khoản tạm giữ của TTCP số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; xem xét loại khỏi quyết toán số tiền hơn 7,67 tỷ đồng và hơn 4 triệu Yên Nhật; xử lý số tiền 3,27 tỷ đồng do không thực hiện thuộc chi phí khác trong dự toán của 8 gói thầu sử dụng vốn trong nước đã phê duyệt…
Đề nghị Cơ quan điều tra xử lý
TTCP cũng đã công bố kết luận thanh tra về những sai phạm tại Tổng Công ty lương thực miền Nam. Theo đó, Công ty này đã cho vay và bảo lãnh vốn cho một số đơn vị không đúng quy định, vượt thẩm quyền được giao với số tiền hơn 1.780 tỷ đồng, hậu quả Tổng Công ty lương thực miền Nam phải trả thay vốn vay cho các Công ty này số tiền lớn. Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã đầu tư góp vốn và sử dụng vốn góp với giá trị hơn 47 tỷ đồng để thành lập Công ty CP vận tải biển Hoa Sen không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, mất vốn Nhà nước 22,835 tỷ đồng; mua cổ phần của Công ty Vận tải biển Việt Nam với số tiền gần 60 tỷ đồng và Công ty CP nước khoáng Samvi số tiền 14,41 tỷ đồng chưa đúng quy định về trình tự thủ tục, đầu tư không hiệu quả… Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, Tổng Công ty lương thực miền Nam chưa thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước về thu mua lúa gạo tạm trữ, không giao dịch mua trực tiếp của người nông dân.
Đối với các Công ty hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty lương thực miền Nam, việc mua bán hàng hóa của một số đơn vị đã vi phạm các quy định về quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế quản lý tiền hàng trong mua, bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, quy chế mua, bán hàng hóa, dịch vụ của Tổng Công ty, của các đơn vị thành viên với số tiền 62,069 tỷ đồng. Những vi phạm trên dẫn tới Tổng Công ty và các đơn vị bị chiếm dụng vốn, nợ khó đòi, nguy cơ mất vốn là rất lớn.
Bên cạnh đó, nhiều Công ty hạch toán phụ thuộc đã sử dụng vốn và tài sản chưa đúng quy định, không có phương án xử lý đối với tài sản không sử dụng, ký kết hợp đồng và thanh toán khi dự án khả thi chưa được phê duyệt; mua vượt kế hoạch Tổng Công ty giao, sử dụng vốn ngắn hạn thanh toán cho đầu tư mua sắm, huy động vốn khi không được sự đồng ý của Tổng Công ty với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng và 62.603.174 USD dẫn đến làm giảm hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; Công ty lương thực Vĩnh Long, Công ty CP lương thực Sài Gòn trích lập dự phòng chưa đúng quy định với số tiền 41 tỷ đồng. Ngoài các sai phạm trên, tại Tổng Công ty lương thực miền Nam còn một số vi phạm trong quản lý đất đai và đầu tư xây dựng.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan và Tổng Công ty lương thực Miền Nam tổ chức sắp xếp lại mô hình hoạt động, chấn chỉnh quản lý đối với Tổng Công ty này. Đồng thời kiến nghị xử lý tổng số tiền 205,947 tỷ đồng, trong đó thu hồi tổng tiền 9,27 tỷ đồng; chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan. TTCP cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an sớm có kết luận điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hai vụ việc tại Công ty lương thực Vĩnh Long và Công ty CP lương thực Hậu Giang mà TTCP đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an cuối năm 2014; tiếp nhận hồ sơ từ TTCP để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm trong việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Vận tải biển Hoa Sen của Công ty mẹ.