Các thương vụ M&A gia tăng mạnh mẽ

Bất động sản - Ngày đăng : 16:07, 29/07/2015

Nhiều chuyên gia nhận định việc phát triển thị trường bất động sản sẽ hồi phục trở lại, cũng như kỳ vọng có nhiều dấu hiệu tăng trưởng cả về lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch, khi các hoạt động mua bán và sáp nhập đang có chiều hướng tăng trưởng.

Gia tăng mạnh mẽ các thương vụ M&A

Theo Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong số 17 lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm vào ngành này là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3%.

Cũng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, thì tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 8,8 tỷ USD, bằng khoảng 92% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó vốn FDI rót vào bất động sản đạt 465,5 triệu USD. Như vậy, chỉ tính trong tháng 7, ngành bất động sản đã đón hơn 1,225 tỷ USD vốn FDI.

Đóng góp lớn nhất vào lượng vốn FDI được cấp phép trong ngành BĐS phải kể đến dự án đầu tư khu phức hợp Tháp quan sát do Công ty TNHH Liên doanh Empire City làm CĐT. Dự án có tổng vốn lên đến 1,2 tỷ USD, do CTCP BĐS Tiến Phước và Công ty TNHH BĐS Trần Thái liên doanh với Denver Power Ltd (Anh) đầu tư xây dựng tòa nhà 86 tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tòa nhà này được cho là sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Các thương vụ M&A gia tăng mạnh mẽ

Tập đoàn Greed vừa ký kết đầu tư 200  triệu USD vào các dự án của tập đoàn An Gia.

Không chỉ các giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài, mà các giao dịch M&A trong nước cũng tạo được sự chú ý trong công chúng. Ông Nguyễn Bá Sáng - TGĐ tập đoàn An Gia cho biết, năm 2014, An Gia đã đầu tư vào 3 dự án gồm La Casa - giai đoạn 2 (Q.7), Angia Garden (Q.Tân Phú) và Angia Stra (Q.Bình Tân) với tổng số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án La Casa, An Gia nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty CP BĐS Vạn Phát Hưng, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 73,4 tỷ đồng”.

Đại diện tập đoàn Khang Điền (KDH), Ông Nguyễn Đình Bảo - Phó Tổng giám đốc cho biết, tính đến thời điểm này, VinaCapital đang sở hữu cổ phiếu KDH với tỷ lệ là 21%, tương đương 26 triệu đô Mỹ. Dragon Capital là cổ đông lớn thứ hai của Công ty với tỷ lệ sở hữu 16%, tương đương giá trị thị trường hơn 20 triệu đô Mỹ. Ngoài ra, các quỹ khác cũng tham gia vào KDH như Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM… do đó Khang Điền là trong một trong số ít những doanh nghiệp Bất động sản đã kín room sở hữu của nước ngoài (49%).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận định điều kiện cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện cũng như giao thông kết nối giữa các khu vực đô thị và các thành phố trọng điểm, cũng góp phần giúp thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn và tạo đòn bẩy để các thương vụ M&A diễn ra thành công. Rõ ràng, sự hồi phục và cải thiện tính thanh khoản của thị trường bất động sản đang diển ra mạnh mẽ. Đây cũng chính là kết quả những nỗ lực của chính phủ trong thời gian qua, để kích cầu và tạo điều kiện cho thị trường BĐS tăng trưởng trở lại.

Bên cạnh đó, theo phân tích của tập đoàn Savills, nguyên nhân để một số thương vụ M&A đã diễn ra thành công, là do một số chủ đầu tư bất động sản rất quyết liệt trong việc bán các dự án để giảm bớt gánh nặng tài chính. Trong khi đó, các doanh nghiệp với nguồn tài chính mạnh lại mong muốn có được những dự án tốt, có tiềm năng sinh lợi cao khi thị trường phục hồi trở lại.

Triển vọng M&A vào tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản (Tập đoàn Tư vấn về M&A hàng đầu thế giới) cũng đánh giá “Việt Nam đang chứng kiến làn sóng M&A thứ hai được hình thành bởi chính sách tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có cả các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS”.

Các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao Việt Nam vẫn sẽ là một trong những thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất. Vì vậy, các hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2015 và bước qua năm 2016. Nhất là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Ngoài ra, khi Luật Đất đai được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 01/07/2014, cũng sẽ là một trong những lực đẩy quan trọng, góp phần vào các hoạt động đầu tư BĐS hoặc M&A được diễn ra. Ông Yasuo Nishitohge – Tổng giám đốc của Aeon Việt Nam, là một trong những tập đoàn đang triển khai quy mô mạnh mẽ tại thị trường VN chia sẻ “Việc đảm bảo tính minh bạch và tạo ra cơ hội bình đẳng. Không chỉ giúp cho thị trường BĐS trong nước tăng trưởng, mà còn giúp thị trường BĐS Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài hướng đến”.

Các thương vụ M&A gia tăng mạnh mẽ

Tòa nhà 86 tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng vốn lên đến 1,2 tỷ USD là một trong những dự án thông qua hoạt động M&A.

Nói về triển vọng trong những tháng cuối năm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam cũng chia sẻ “Thị trường sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ chuyển nhượng các dự án phát triển nhà ở, bao gồm phân khúc căn hộ, bất động sản gắn liền với đất và khu dân cư. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến các tài sản đang hoạt động với tỷ suất sinh lợi ổn định và rủi ro thấp.

Báo cáo mới đây của savills cũng cho thấy rằng, khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào thị trường trong nước, thì sẽ kéo theo như cầu phân khúc khách sạn, lượng khách du lịch ngày càng tăng nhanh cả trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do để đầu tư vào các khách sạn ở trung tâm thành phố cũng như các khu nghỉ dưỡng gần biển. Điều này được hỗ trợ thêm bởi sự gia tăng số lượng các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến nhiều sân bay tại các tỉnh thành của Việt Nam”.

Dưới góc nhìn của một nhà tư vấn M&A quốc tế, Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản cũng nêu nhận định rằng, có khá nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam, ít nhất là từ góc độ các thương vụ M&A. Trong đó, rào cản lớn nhất là yếu tô pháp lý khi “Các quy định pháp lý của Việt Nam khá phức tạp và khó hiểu, điều này đã gây khó khăn và cản trở nhất định trong việc tư vấn cho các thương vụ M&A quốc tế. Nên nếu VN minh bạch thông tin và giảm thiếu các thủ tục hành chính, sẽ thúc đẩy rất mạnh mẽ cho các thương vụ M&A diễn ra và hoàn thành”.

Bảo Lan – Văn Vũ