Luật kinh doanh bất động sản 2014 - đòn bẩy tích cực cho toàn thị trường BĐS
Bất động sản - Ngày đăng : 14:00, 27/07/2015
Đây rõ ràng là một động thái tích cực của Chính phủ, đã tạo một đòn bẩy mạnh mẽ cho thị trường này phục hồi sau một thời gian dài “chết lâm sàng”. Đặc biệt là các quy định về Luật kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai.
Luật KDBĐS 2014: tạo cơ chế linh hoạt
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn nhìn nhận trong suốt một thời gian dài thị trường BĐS gần như không có sự giao dịch và có người còn ví von thị trường BĐS đang “chết lâm sàng”, với tỷ lệ tồn kho trong nhiều phân khúc ở cả hai thị trường HN và Tp.HCM không ngừng gia tăng.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HHBĐS Tp.HCM tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các văn bản quy định của nhà nước chưa sát với thực tế, có phần chồng chéo, thậm chí là thiếu cả tính bền vững. Đó chính là rào cản khiến các NĐT, các DN khi triển khai quy định gặp nhiều khó khăn. Nên Luật KDBĐS năm 2014 với những điều khoản rõ ràng và thực tế hơn, sẽ cởi trói cho DN và tạo ra một cơ chế linh hoạt mới. Điều này tác động tích cực đến sự phục hồi thị trường BĐS”.
GS Đặng Hùng Võ “tác động của chính sách mới lên thị trường là tích cực nhưng BĐS VN còn cần phải “hoàn thiện” hơn nữa”.
Dưới góc nhìn của GS Đặng Hùng Võ, thì tác động của chính sách mới lên thị trường là tích cực. Tuy nhiên, ông cũng cho biết “Những thay đổi của chính sách đã tác động và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường BĐS. Tuy nhiên BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn như lãi suất vay trung và dài hạn, thuế đất và cả các chính sách về thủ tục hành chính cần đơn giản hơn nữa, sẽ là đòn bẩy góp phần cho toàn thị trường BĐS tăng trưởng ngoạn mục, khi có sự tham gia mạnh mẽ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài”.
Rõ ràng, Luật KDBĐS 2014 đã mở ra nhiều cơ chế linh hoạt cho các NĐT, các doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt, các quy định về kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai đã được Luật KDBĐS năm 2014 dành hẳn một chương riêng quy định. Cụ thể như điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh (Điều 55), bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 56), Thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai (Điều 57,… Những quy định này đã khắc phục những bất cập của Luật cũ và giảm thiểu rủi ro cũng như tranh chấp xảy ra. Góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua khi tạo cho họ niềm tin, sự an tâm vào dự án đầu tư.
Tạo thế đòn bẩy cho thị trường BĐS tăng trưởng.
Dù mới triển khai nhưng Luật KDBĐS năm 2014 đã tạo ra những cú hích đột phá cho thị trường này, khi hàng loạt các dự án được các NĐT triển khai và mở bán thành công. Ông Lương Trí Thìn – Tổng Giám đốc tập đoàn Đất Xanh (ĐXG) cho biết: “Khi triển khai những quy định mới của Luật KDBĐS năm 2014, không chỉ thanh lọc những NĐT có năng lực thực sự, mà còn bắt buộc các NĐT phải hoạt động chuyên nghiệp, bài bản và mang tính thanh bạch cao mới trụ được. Bên cạnh đó, Luật đưa những quy định có sự bảo lãnh của Ngân hàng với các sản phẩm BĐS hình thành trong tương lai, cũng tạo cho khách hàng sự an tâm. Từ đó sẽ tạo ra tính thanh khoản cho thị trường này”.
Một thực tế cho thấy trước khi Luật mới gần đến thời điểm triển khai thì nhiều NĐT lớn và có thương hiệu trên thị trường đã ký kết với nhiều Ngân hàng lớn. Như: Sacomreal ký kết với các ngân hàng HDbank, OCB bank và ACB bank được ký hôm 14/6, cho các dự án Celadon City, Belleza Carillon 2, Jamona Apartment, Jamona City, Arista Villas, Carillon3, Jamona Riverside; Tập đoàn Novaland cũng ký kết với VPbank, OCB Bank, ACB bank, SeaBank vào đầu tháng 6 cho dự án Sunrise City - Central Towers (Quận 7), Dự án The Sun Avenue (Quận 2); Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa ký kết với các ngân hàng như VietinBank, BIDV... cho các dự án mà tập đoàn này triển khai như Khu Chung cư Thế kỷ 21, Khu phức hợp dân cư cao cấp Opal…
Dự án Khu phức hợp dân cư cao cấp Opal của DXG được VietinBank, BIDV bank… ký kết bảo lãnh.
Ông Phan Ngọc Hòa - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cũng chia sẻ: “Hiện nay VPbank cũng đứng ra hợp tác với nhiều NĐT và cũng đã bảo lãnh nhiều dự án. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp kinh doanh thì ngân hàng cũng nghiên cứu, thẩm định và đánh giá rất kỹ năng lực của NĐ, cũng như tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, không phải dự án nào của NĐT đó chúng tôi đều ký bảo lãnh. Do vậy các NĐT không phải chỉ là có năng lực, mà còn phải chọn lọc và làm dự án mang tính khả thi tốt nhất”.
“Luật KDBĐS năm 2014, không chỉ tác động đến sự cạnh tranh của các NĐT, mà các ngân hàng cũng sẽ có tính cạnh tranh về lãi suất và dịch vụ. Vì vậy, khách hàng sẽ được vay với lãi suất cũng sẽ ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, Khi dự án được ngân hàng bảo lãnh, thì rủi ro của người mua nhà sẽ ở mức thấp nhất, thậm chí hầu như không có. Vì vậy, tâm lý của người mua được an tâm hơn và họ sẽ đi mua nhiều hơn. Và chắc chắn khi thị trường nóng lên, sẽ tác động tích cực đến tính thanh khoản của thị trường này cao hơn”, bà Võ Thị Dịu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Sacomreal cũng chia sẻ.
Có thể nói không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả người dân cũng đang rất kỳ vọng những đổi mới của Luật KDBĐS năm 2014 sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm tới.