Băn khoăn gói 50.000 tỷ đồng
Bất động sản - Ngày đăng : 11:17, 31/03/2015
Trong khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn nhiều vướng mắc trong quá trình giải ngân thì sắp tới đây, có thể thị trường bất động sản sẽ có thêm gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ý kiến chuyên gia băn khoăn về tính khả thi của gói tín dụng này.
Khó khả thi
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thông thường, dành cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất 7%/ năm, ổn định trong vòng 10 năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong khi gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng có ưu đãi của Nhà nước thì gói 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại thông thường, việc giải ngân hoàn toàn do thị trường quyết định dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận và giao kết giữa các bên tham gia, gồm ngân hàng - chủ đầu tư - người mua nhà.
Ảnh minh họa.
Do hoạt động trên nguyên tắc này, các chuyên gia tài chính cho rằng gói này khó có thể hấp dẫn các ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại tham gia gói 30.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay khoảng 1,5%/năm, tuy vậy thực tế, các ngân hàng vẫn chưa thật sự mặn mà. Nếu ngân hàng tham gia gói 50.000 tỷ đồng sẽ không được cấp vốn hay bù lãi suất mà còn phải cam kết giữ lãi suất 7%/năm trong suốt 10 năm, trong khi mặt bằng lãi suất biến động không ngừng.
Theo ghi nhận, hiện nay, nhiều ngân hàng đã có các gói tín dụng riêng ưu đãi dành cho khách mua bất động sản, chỉ áp dụng cho 1-2 năm đầu tiên và sau đó áp dụng chính sách thả nổi lãi suất theo thị trường.
Chẳng hạn, tại ngân hàng BIDV đang có gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng vay với 3 khung lãi suất: 7,2% cho 12 tháng cố định; 7,99% cho 24 tháng cố định và 8% cho 36 tháng cố định. Hết thời gian ưu đãi trên, ngân hàng sẽ tính lãi suất theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với 3,5%/năm với thời gian có thể lên tới 20 năm.
Điều này cho thấy, các ngân hàng luôn muốn là người quyết định lãi suất, đảm bảo lợi nhuận thu về khi cho vay. Và cũng do vậy, họ sẽ không mặn mà tham gia các gói hỗ trợ bất động sản mà lợi ích không cao như gói 50.000 tỷ đồng.
Về phía ngân hàng là vậy, đối với người dân, việc vay và trả nợ cũng không hề dễ dàng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng có thời gian vay 10-15 năm là quá ngắn, tạo áp lực trả nợ cho người mua nhà.
“Với thu nhập bình quân của người Việt Nam thấp như hiện nay, tính ra, một gia đình hai vợ chồng nếu mua căn hộ giá 1 tỷ đồng, vay 800 triệu đồng từ gói 30.000 tỷ đồng trong 10 năm với lãi suất 5%/năm thì hằng tháng họ phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 7 triệu đồng. Nếu vay ở gói 50.000 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, cũng với số tiền vay tương đương, mỗi tháng họ phải trả 9,3 triệu đồng”, ông Hiếu phân tích.
Lặp lại mối lo nợ xấu?
Theo TS Bùi Diệu Anh, Trưởng khoa Ngân hàng (Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), gói tín dụng này không hướng đến người có nhu cầu mua nhà giá rẻ.
“Gói 50.000 tỷ đồng nhằm vào phân khúc nhà ở trung/cao cấp nên có thể giúp giải phóng hàng tồn kho hiện nay, qua đó giải quyết một phần đáng kể nợ xấu cho kinh doanh bất động sản”, TS Bùi Diệu Anh cho biết.
Tuy vậy, việc tập trung quá nhiều gói tín dụng vào bất động sản cũng khiến các chuyên gia khác tỏ ý lo lắng, nợ xấu bất động sản có thể quay trở lại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, khả năng thực hiện gói 50.000 tỷ đồng trong năm nay là rất khó. Nền kinh tế đang ổn định và không cần thiết bơm ồ ạt vốn vào bất động sản. “Khi vốn dồn quá nhiều vào thị trường sẽ dẫn đến khó kiểm soát, dư nợ tín dụng tăng mạnh có nguy cơ dẫn đến nợ xấu như trước đây”, ông Thành lo ngại.
Mục đích gói 50.000 tỷ đồng dành để xóa nợ xấu ở phân khúc nhà trung/cao cấp như kì vọng của Bộ Xây dựng cũng chưa thực sự rõ ràng. Theo một vị chuyên gia kinh tế, dùng tiền để cứu nợ xấu rất nguy hiểm, do đó phải tính kỹ để tránh rơi vào “vết xe đổ”.
Vị chuyên gia này cho rằng, 50.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay hay cho người mua nhà vay thì cũng phải tính khả năng hoàn trả vốn, nếu không nó lại trở thành nợ xấu.