Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Bắc Giang
Bất động sản - Ngày đăng : 22:00, 27/02/2015
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát triển các sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Về công nghiệp, xây dựng, Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14-14,5%/năm, trong đó, phát triển các sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mạng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa, gồm: Điện tử các loại và linh kiện, cơ khí phục vụ sản xuất ô tô, xe máy, tham gia cụm tương hỗ điện tử, cơ khí vùng Hà Nội; công nghiệp dệt may để tận dụng lợi thế về lao động cũng như khả năng phát triển; đồng thời, thu hút doanh nghiệp cung cấp nguyên, phụ liệu trong bối cảnh tham gia các hiệp định mới.
Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.322 ha, 36 cụm công nghiệp với diện tích 682,99 ha.
Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng trưởng 3 - 3,5%/năm
Bắc Giang cũng phấn đấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3 - 3,5%/năm. Cụ thể, phát triển sản phẩm chủ lực, gồm vải thiều (trọng tâm là vùng Lục Ngạn) và cây ăn quả (trọng tâm là cây có múi), phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng; từng bước hình thành cụm tương hỗ quả nhiệt đới khu vực thị trấn Chũ.
Từng bước xây dựng cụm tương hỗ gà đồi Yên Thế với quy mô từ 6 - 8 triệu con, hướng tới đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu; phát triển đàn lợn quy mô trên 1 triệu con gắn liền với công nghiệp chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhóm rau chế biến và nấm tập trung phát triển và hình thành vùng chuyên canh cung cấp sản phẩm tại thành phố Bắc Giang, các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam…, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm công nghệ cao.
Sản phẩm gỗ và phát triển rừng bền vững tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam; chuyển từ trồng rừng kinh tế sang trồng các loại cây gỗ lớn kết hợp với cây dược liệu và phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển các loại cây như cây lúa, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương); gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản (trọng tâm là cá) đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cung cấp một phần cho các thị trường trong khu vực.