Phúc thẩm vụ "cậu Thủy": Y án hai bị cáo tham gia đường dây làm giả hài cốt liệt sỹ
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 21:26, 21/01/2016
Ngày 21/1, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử Mẫn Đức Phương (SN 1978, trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; em ruột của Mẫn Thị Duyên) và Nguyễn Anh Chiều (SN 1983, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội; con rể Duyên) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên là những đối tượng đã từng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong hình phạt trở về sinh sống tại địa phương, cả hai lợi dụng lòng tin của tổ chức và cá nhân có nhu cầu tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ rồi làm cho họ tin tưởng Thúy và Duyên có khả năng tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ thông qua lĩnh vực tâm linh dưới danh nghĩa “nhà ngoại cảm” nhằm chiếm đoạt tài sản.
Kể từ năm 2008, Nguyễn Văn Thúy bắt đầu tìm kiếm hài cốt, mồ mả cho những gia đình có nhu cầu tìm kiếm, quy tập hài cốt, mồ mả bị thất lạc. Vợ chồng Thúy - Duyên đã rủ thêm Nguyễn Văn Hoành (em ruột Thúy), Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên), Nguyễn Anh Chiều (con rể Duyên) và Nguyễn Trường Sơn (con rể Duyên) cùng tham gia.
Sau khi thỏa thuận và có thông tin của Liệt sỹ từ gia đình người thân, ban ngày Thúy đưa các gia đình này đến nghĩa trang ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thắp hương giả vờ là người thăm viếng để quan sát, chọn khu vực mộ và hướng dẫn cho các đối tượng trên lấy trộm hài cốt. Đợi đêm xuống, cả nhóm mang theo dụng cụ để tiến hành lấy trộm hài cốt, đem chôn ở nhiều địa điểm rồi tổ chức quy tập.
Để tạo lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vợ chồng cậu Thủy tìm mua các đồ củ từ các nguồn khác nhau gồm: bi đông, ăng gô, dép cáo su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo bộ đội…và trực tiếp khắc một số thông tin của một số Liệt sỹ lên các vật dụng đó. Ngoài ra, các đối tượng còn lấy đất đen ở các khu công nghiệp để rải chung cùng với đồ vật xương cốt, và các đồ vật khắc tên Liệt sỹ. Với mỗi bộ hài cốt tìm được, “cậu Thủy” thu của người nhà liệt sỹ trên 120 triệu đồng. Sau đó, Mẫn Thị Duyên đã đứng ra mở hai tài khoản Ngân hàng để phục vụ cho việc nhận tiền của các tổ chức cá nhân có nhu cầu tìm kiếm.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án
Từ năm 2010 đến 2013, “cậu Thủy” và đồng bọn đã lừa 8 người đi tìm thân nhân là liệt sỹ, chiếm đoạt hơn một tỷ đồng. Đặc biệt, từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, nhóm “cậu Thủy” thực hiện 4 đợt cất bốc hài cốt tại Bình Phước, Đắk Lắk và Quảng Trị, chiếm đoạt số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Vào trước đó, ngày 16/10, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên sơ thẩm vụ án làm giả hài cốt liệt sỹ do Nguyễn Văn Thúy (SN 1959, trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) hay còn gọi là “cậu Thủy” chủ mưu cùng đồng bọn ra xét xử và tuyên phạt Mẫn Đức Phương 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 18 năm tù; Nguyễn Anh Chiều 4 năm tù về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 năm tù về tội “Xâm phạm mồ mả hài cốt”, tổng mức án là 5 năm tù. Đồng thời, cùng với các bị cáo gồm Nguyễn Văn Thúy, Mẫn Thị Duyên, Nguyễn Văn Hoành, Nguyễn Trường Sơn bồi thường hoàn toàn số tiền gần 8 tỷ đồng cho các tổ chức và thân nhân gia đình các liệt sỹ.
Sau đó, vì không đồng tình với bản án đã tuyên nên Phương và Chiều đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị tòa xem xét vì cả hai cho rằng mình không hề phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phương và Chiều làm đơn kháng cáo kêu oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tại phiên phúc thẩm lần này, Mẫn Đức Phương và Nguyễn Anh Chiều đều khẳng định rằng mình bị oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xin giảm nhẹ khung hình phạt về tội xâm phạm mồ mả, hài cốt. Mẫn Đức Phương khai, y bị “cậu Thủy” mê hoặc nên cứ làm theo những chỉ dẫn mà phía “cậu Thủy” đưa ra. Ngoài ra, Phương còn thừa nhận đã nhiều lần cùng đồng bọn tham gia cất bốc các hài cốt liệt sỹ tại các nghĩa trang Thừa Thiên Huế và Quảng Trị rồi đưa đến nơi khác chôn, làm giả hiện trường cho vợ chồng Thúy - Duyên lừa các đơn vị, cá nhân có nhu cầu tìm hài cốt liệt sỹ.
Về phía Nguyễn Anh Chiều khai, y có một lần trộm hài cốt rồi mang đến nơi khác chôn làm giả hiện trường vào ban đêm nên Chiều không biết là nơi nào. Đồng thời, Chiều thừa nhận có canh gác và mang dụng cụ cho các đối tượng tiến hành đào bốc hài cốt và có quay phim khi bốc hài cốt cho các thân nhân liệt sỹ.
Tại phiên tòa, các luật sư của hai bị cáo đã đưa ra những luận cứ bào chữa cho các thân chủ của mình và cho rằng, cấp sơ thẩm cáo buộc bị cáo Phương và Chiều đồng phạm với “cậu Thủy” về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa có căn cứ vững chắc, bởi những cơ sở như: không thỏa mãn dấu hiệu về hành vi khách quan và chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phương và Chiều không hề biết Nguyễn Văn Thúy thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tập thể có nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sỹ mà đơn thuần họ chỉ là những người làm công ăn lương.
Được nói lời sau cùng trước lúc tòa nghị án, các bị cáo đều gửi lời xin lỗi tới phía gia đình bị hại và các tổ chức vì hành vi mà mình đã gây ra. Đồng thời, mong muốn HĐXX xem xét khách quan, giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo an tâm cải tạo, sớm trở về hòa nhập với cộng đồng, phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi con nhỏ.
Xét thấy những hành vi của 2 bị cáo Phương và Chiều đã xâm phạm mồ mả hài cốt và đã tiếp tay giúp sức tích cực cho Thúy và Duyên chiếm đoạt tài sản của người khác, lôi kéo nhiều tổ chức tham gia, gây tổn thất xã hội, ảnh hưởng đến tình cảm tâm linh, gây nên sự căm phẫn cho nhiều người, do đó cần xử lý nghiêm để ngăn ngừa tình trạng phạm tội tương tự. Đồng thời, trong phiên tòa sơ thẩm đã luận đúng người, đúng tội, không oan sai. Vì thế, HĐXX đã bác đơn kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm mà tòa án tỉnh đã tuyên trước đó.