Chuyện về nữ Thẩm phán và Trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí cho người chưa thành niên
Tòa án - Ngày đăng : 16:04, 22/10/2020
Hàng ngàn người được tư vấn pháp luật miễn phí
Được thành lập theo Quyết định 169/QĐ-HLGVN ngày 10/10/2013 của Hội Luật gia Việt Nam, đến nay Trung tâm có 14 cán bộ, trong đó có 7 luật sư, 6 tư vấn viên, ngoài ra còn có 9 cộng tác viên là các Luật sư, Hội Thẩm nhân dân. Từ năm 2016 đến 2019 Trung tâm thành lập thêm 03 chi nhánh tại tỉnh Quảng Bình, Yên Bái và Tuyên Quang. Hầu hết các cán bộ trung tâm và chi nhánh đều là người đã trải qua công tác pháp luật hoặc giữ các cương vị lãnh đạo các cơ quan như Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp,… đã tham gia nhiều chương trình hội thảo trong ngoài nước về pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em nên có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Ngoài nhiệm vụ chính là tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và trẻ em là nạn nhân của các loại tội phạm, Trung tâm còn tham gia nhiều các hoạt động, các hội thảo khác do các bộ ngành liên quan và Hội Luật gia VN tổ chức.
Để góp phần bảo vệ trẻ em và hạn chế tội phạm chưa thành niên, nhất là nạn xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, Trung tâm đã phối hợp với Hội luật gia tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tòa án tỉnh và các cơ quan địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí tại nhiều địa phương cho hơn 1.000 đối tượng đặc thù là phụ nữ và trẻ em về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ chứng cứ.
Hoạt động của Trung tâm được trải dài rộng khắp các xã vùng cao với chuyên đề “Tuyên truyền và tư vấn pháp luật tại cơ sở, đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tới phụ nữ, thanh thiếu niên vùng sâu,vùng xa thuộc các huyện của tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang...
Quan tâm đến các đối tượng yếu thế, các trẻ em vi phạm pháp luật Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho học sinh và giáo viên Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh về kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; hoặc tuyên truyền phổ biến cho học viên Trường giáo dưỡng số 2 Bộ Công an về chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm giúp họ cải tạo tốt nhanh chóng trở về với cộng đồng…
Với mong muốn chung tay, chung sức ủng hộ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt là trẻ em nghèo, mồ côi, ngày 20/10/2015, Trung tâm đã thành lập Câu lạc bộ “Nhân Ái" (tên gọi là Nhân ái Tâm Thanh) với mục đích hoạt động từ thiện nhân đạo để chia sẻ yêu thương tới những trẻ em bất hạnh, góp phần giảm đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, với sự ủng hộ của các thành viên, các nhà tài trợ Trung tâm còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện thông qua Câu lạc bộ Nhân ái Tâm Thanh nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo. Từ khi thành lập đến nay Trung tâm và Câu lạc bộ định kỳ thường xuyên hàng tháng tổ chức phát cơm miến phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viên K Tân Triều (mỗi tháng 100 suất cơm), từ năm 2016 đến nay Câu lạc bộ nhận hỗ trợ và chăm sóc 2 cháu trong chương trình “Cặp lá yêu thương”, tổ chức tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi và Giáng sinh tại 2 bệnh viện và Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội với tổng số tiền ủng hộ trên 400 triệu. Đặc biệt, tháng 3/2020 hưởng ứng kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về việc ủng hộ phòng chống Covid 19, các thành viên câu lạc bộ đã ủng hộ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều 2.000 khẩu trang trị giá 14.000.000 đồng.
Với thành tích đạt được nhất là từ 2015 đến nay, Trung tâm đã được Hội Luật Gia Việt Nam đánh giá cao về hoạt động, năm 2018, 2019 được Trung ương Hội Luật gia VN tặng bằng khen về thành tích suất sắc trong hoạt động Hội. Năm 2020 được bầu chọn là điển hình tiên tiến Hội Luật Gia VN giai đoạn 2015-2020. Để đạt được thành tích trên ngoài sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam còn có sự thống nhất cao giữa lãnh đạo Trung tâm, chi ủy chi bộ trong việc lãnh đạo hoạt động của đơn vị; đặc biệt có sự đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ, cán bộ đảng viên của Trung tâm; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Và nữ Thẩm phán say mê công việc
Để có được một Trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động mạnh mẽ như vậy nhờ có tập thể cán bộ hết mình vì công việc trong đó có đóng của bà Đặng Thị Thanh, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối cao đã nghỉ hưu.
Trưởng thành từ quân đội (đoàn 559) và sau đó hơn 30 năm công tác trong ngành Tòa án với nỗ lực phấn đấu bà đã từng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, rồi Phó Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao cho đến tháng 12/2009 nghỉ hưu, bà đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Tòa án được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Nhì, và năm 2020 bà vinh dự được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Khi còn giữ chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, bà cũng là một trong số ít Thẩm phán được cố Chánh án TANDTC Phạm Hưng đánh giá cao trong xét xử nhiều vụ án lớn. Điển hình là vụ án Lê Giành – Đại tá quân đội nghỉ hưu, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng tư nhân đầu tiên trong cả nước. Lê Dành phạm 4 tội trong đó có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 300 bị hại. Đây là vụ án phức tạp, khó về đường lối xử lý chưa có cơ chế điều chỉnh Ngân hàng tư nhân, nhưng với sự sắc sảo về chuyên môn của bà cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo TANDTC, vụ án được xét xử thành công đúng người, đúng tội, đúng pháp luật được nhân dân đồng tình ủng hộ…
Quá trình công tác, tham gia xét xử với nhiều loại án với nhiều đối tượng khác nhau, nhưng có lẽ với bà, những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, bị hại là trẻ em… đã khiến bà day dứt không nguôi. Bà tâm sự, “đằng sau mỗi vụ án, mỗi phiên tòa là những mảnh đời, những đứa trẻ bất hạnh, những người phải giam mình sau song sắt khi còn đang ở độ tuổi trẻ nhất của cuộc đời. Nhưng có lẽ ám ảnh nhất vẫn là sự đau khổ của những bậc làm cha làm mẹ khi có con phạm tội phải chịu hình phạt tù; là sự ám ảnh suốt cuộc đời của những người bị xâm hại tình dục, là sự bất hạnh của những đứa trẻ sau những phiên tòa mà cha mẹ ly hôn…”
Thực tại đó đã khiến Thẩm phán Đặng Thị Thanh nhiều trăn trở, đặt ra mục tiêu cho mình khi xét xử các vụ án để làm sao đó để thật công tâm, đúng pháp luật và đảm bảo tính nhân văn. Mười năm ở cương vị Phó chánh Tòa hình sự TANDTC thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm các vụ án hình sự (xem xét lại các bản án có khiếu nại oan, sai), ngoài việc đóng góp tích cực trong công tác chuyên môn, bà Đặng Thị Thanh cũng đã có nhiều kiến nghị đối với một số vụ án có dấu hiệu bị oan (như vụ Hàn Đức Long – bị tử hình về hai tội giết người, hiếp dâm tại tỉnh Bắc Giang) nay đã được minh oan…
Hiện nay với cương vị Giám đốc Trung tâm, bà luôn tâm niệm một điều, làm thế nào để bảo vệ được trẻ em - đối tượng dễ bị xâm hại đặc biệt xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em đang ngày càng gia tăng. Đây cũng là tâm nguyện của bà cũng như các thành viên, cộng tác viên Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên – Hội Luật gia Việt Nam, nhất là các chị em đã từng là những người mẹ, người bà và là những người phụ nữ đã từng trải qua năm tháng hoạt động ở các cơ quan pháp luật nay đã nghỉ hưu vẫn say mê với sự nghiệp “Tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em”.