Phát triển doanh nghiệp công nghệ - Hợp tác toàn cầu
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 22:01, 08/11/2019
Tham dự hội nghị có đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông.
Sau hơn 30 năm nỗ lực hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút được 26 nghìn dự án đầu tư nước ngoài FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD; Đặc biệt, các tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Intel, Samsung, HP, Panasonic… đều đã đặt cơ sở sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam.
Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông có chủ đề “Phát triển doanh nghiệp công nghệ - Hợp tác toàn cầu”
Các tập đoàn ICT lớn khác như Qualcomm, Grab, Fujitsu, SAP... cũng đang hoạt động rất sôi động tại Việt Nam. Khu vực FDI đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong lĩnh vực ICT, FDI đã, đang và sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định để ICT Việt Nam bắt kịp, đi cùng với khu vực và thế giới.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như: Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử; Đề án Thành phố thông minh.
Hiện nay, Quảng Ninh đang chuẩn bị thủ tục đầu tư triển khai xây dựng Khu CNTT tập trung tại phường Tuần Châu (TP Hạ Long) với mục tiêu có đầy đủ các phân khu về phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, an toàn thông tin... trong đó, có phân khu dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị
Từ năm 2017 đến nay, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT Index của tỉnh Quảng Ninh luôn đứng vị trí cao, năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2018 Quảng Ninh đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, với những thành công và kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử.
Tại phiên tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra những điểm hạn chế mà thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần khắc phục như: Chính sách đầu tư chưa theo kịp sự phát triển, thu hút, chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển không nhiều; liên kết đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước chưa chặt chẽ; tỷ lệ nội địa hóa thấp…
Trên cơ sở đó các đại biểu cũng đã thảo luận về chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam, như: Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia...