Tọa đàm thảo luận những vướng mắc của BLHS và BLTTHS năm 2015
Tòa án - Ngày đăng : 20:59, 16/10/2020
TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, thành viên Hội đồng khoa học TANDTC chủ trì tọa đàm. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Giám đốc Kiểm tra I, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND hai cấp thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.
Đây là một sáng kiến rất bổ ích, thiết thực của TAND tỉnh Bắc Ninh, nhằm nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao thành tích thi đua một cách hiệu quả của các đơn vị thuộc cụm thi đua số I.
Theo đó, 14 đơn vị Tòa án trong cụm đã gửi về TAND tỉnh Bắc Ninh trên 100 vấn đề vướng mắc trong quá trình áp dụng BLTTHS, BLHS năm 2015. Trên cơ sở những vướng mắc đó, TAND tỉnh Bắc Ninh đã phân loại, đưa ra bình luận khoa học về vấn đề vướng mắc, kiến nghị hướng tháo gỡ, giải đáp.
Các vấn đề thảo luận tại toạ đàm là những nội dung thường gặp, còn nhiều quan điểm khác nhau về hình sự và tố tụng hình sự. Trong đó, chủ yếu tập trung vào những vấn đề còn nhiều tranh cãi điển hình như: Vướng mắc liên quan đến khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Các trường hợp không cho hưởng án treo đối với người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi…
TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh chủ trì buổi toạ đàm
Trao đổi về các vướng mắc liên quan đến khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, TAND tỉnh Hải Dương nêu dẫn chứng: Theo công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019; Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án có những trường hợp người vay tiền không yêu cầu đối với khoản tiền này thì có tịch thu của bị cáo đối với khoản tiền thu lợi bất chính này không? Và trong trường hợp bị cáo phải trả lại cho người vay tiền thì bị cáo có phải chịu án phí đối với khoản tiền này không?
TAND tỉnh Hưng Yên đặt vấn đề về trường hợp không cho hưởng án treo đối với “Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi” quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong thực tiễn xét xử có trường hợp người phạm tội nhiều lần nhưng đều là những lần phạm tội ít nghiêm trọng, vai trò thứ yếu, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội không nhiều và có đủ các điều kiện áp dụng khác để hưởng án treo nhưng lại không được cho hưởng án treo do phạm tội nhiều lần là chưa phù hợp với tinh thần nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Vấn đề này là ý kiến chung của tất cả các tỉnh cần kiến nghị HĐTP TANDTC cần hướng dẫn theo hướng nếu là tình tiết định khung tăng nặng chứ không phải là tình tiết tăng nặng.
Đại diện 14 đơn vị tòa án tham gia buổi tọa đàm
Bàn luận về Quy định Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và bắt buộc chữa bệnh. TAND tỉnh Ninh Bình cho rằng: Theo quy định của Khoản 2 Điều 452 Bộ luật tố tụng hình sự về Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù có quy định “ Căn cứ vào kết luận pháp y tâm thần, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh hoặc Chánh án Tòa án cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh” và khoản 2 Điều 68 Bộ luật Hình sự “ Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù” ; Các quy định trên có sự mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự; Khoản 3 Điều 49 Quy định “Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Như vậy Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh hoặc Chánh án Tòa án cấp quân khu có phải ra quyết định Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hay không? Thời gian bắt buộc chữa bệnh có được tính vào thời gian chấp hành hình phạt không.
Hay có những ý kiến khác, TAND tỉnh Nghệ An nêu thực tiễn có 02 trường hợp xảy ra: Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án cố ý gây thương tích. Bị cáo kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giám định lại mức độ tổn hại sức khỏe (tỷ lệ thương tích) do tại cấp sơ thẩm khi tiến hành các lần giám định, Hội đồng giám định lại trùng giám định viên thì Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận cho tiến hành giám định lại cho đúng Luật giám định tư pháp hay không hay Hủy bản án sơ thẩm?
Thứ hai, trường hợp bị cáo kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tỷ lệ thương tích do nghi ngờ giám định tại cấp sơ thẩm xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe có căn cứ cao hơn thực tế thương tích hoặc Tòa án nghi ngờ tỷ lệ thương tật quá thấp thì cấp phúc thẩm có chấp nhận cho tiến hành giám định lại hay không?
Toàn bộ các vướng mắc được đưa ra thảo luận tại buổi toạ đàm được TS Phạm Minh Tuyên nêu quan điểm, sau đó các đại biểu đến từ Tòa án 14 tỉnh và đại biểu Vụ Pháp chế, quản lý khoa học TANDTC, Học viện Tòa án, TANDCC tại Hà Nội cùng tham gia thảo luận tích cực.
Sau một ngày thảo luận kỹ từng vướng mắc được nêu ra, TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho biết, các vướng mắc về hình sự và tố tụng hình sự của các TAND thuộc cụm thi đua số I sẽ được chuyển lên TANDTC đề nghị hướng dẫn, giải đáp hoặc ban hành Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TANDTC để nhận thức và áp dụng được thống nhất.