Cần hướng dẫn bổ sung mới một số nội dung liên quan đến tội đánh bạc bằng hình thức lô đề
Tòa án - Ngày đăng : 16:21, 23/09/2020
Là những nội dung đáng chú ý đề cập đến tại Hội thảo khoa học “Một số vướng mắc trong xác định số tiền dùng để đánh bạc và xử lý tiền dùng để đánh bạc bằng hình thức lô, đề” do Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã tổ chức ngày 22/9 vừa qua.
Trình bày báo cáo về cơ sở pháp lý đối với tội đánh bạc theo quy định tại Điều 248 BLHS năm 1999, Điều 321 BLHS năm 2015; Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS” và Công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ, Thiếu tá Lê Thanh Bình, Phó Chánh án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật và thực tiễn vận dụng, áp dụng cụ thể các quy định đó vào việc giải quyết các vụ án phạm tội đánh bạc dưới hình thức lô, đề đặt ra một số vấn đề lý luận cần xem xét.
Thượng tá Phạm Minh Khôi, Chánh án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội tại hội thảo
Thứ nhất, đối với số tiền dùng để đánh bạc, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP đã hướng dẫn là “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc”; “Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”; “Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” (khoản 3 Điều 1) và “Trường hợp người chơi số đề có trúng số đề thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề” (điểm a, tiết 5.1, khoản 5 Điều 1).
Theo quan điểm của người nghiên cứu, hướng dẫn như trên đã bộc lộ vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn xét xử tội đánh bạc trong tình hình hiện nay. Bởi vì, số tiền đánh bạc không chỉ là số tiền thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, thu giữ được trong người các con bạc, thu giữ ở những nơi khác… mà còn là số tiền mà những người đánh bạc đã thỏa thuận dùng để đánh bạc hoặc thắng bạc, không nhất thiết phải có số tiền hoặc hiện vật trên thực tế.
Thứ hai, số tiền những người đánh bạc thỏa thuận dùng để đánh bạc hoặc thắng bạc nhưng chưa chuyển cho nhau có phải là công cụ phạm tội hay không, xử lý số tiền này như thế nào? Có ý kiến cho rằng, đây là số tiền không có thật trên thực tế nên không phải là công cụ phạm tội. Do đó, Tòa án không tịch thu. Cũng có ý kiến cho rằng, do các bên thỏa thuận đây là số tiền đánh bạc hoặc thắng bạc nên có thể coi là một dạng công cụ phạm tội “ảo”, Tòa án cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS tịch thu ở người có trách nhiệm phải chuyển giao theo thỏa thuận lúc đánh bạc.
Tham gia góp ý tại Hội thảo, đa số đại biểu đồng tình với quan điểm của người nghiên cứu, báo cáo tại hội thảo. Về nguyên tắc, BLHS 1999 đã bị thay thế bởi BLHS 2015 nên Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực pháp luật. Mặt khác, việc nghị quyết dùng một số từ ngữ như “tiền hoặc vật thu giữ được từ…”, “số tiền thực tế mà họ nhận được”, “số tiền chủ đề đã nhận của những người chơi số đề” đã không còn phù hợp với thực tế đánh bạc dưới hình thức lô, đề do những người đánh bạc có thể không bỏ tiền hoặc hiện vật ra để đánh bạc mà có thể thỏa thuận với nhau qua điện thoại, tài khoản mạng xã hội và xác nhận số tiền đánh bạc, trúng bạc trên tờ phơi hoặc tài liệu khác.
Điều này cũng phù hợp với tiểu mục 6 Mục I Công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ, là “số tiền mà họ đã bỏ ra không chỉ là số tiền thực tế họ đưa cho người ghi đề, ghi cá độ mà phải là số tiền ghi trên tờ phơi hoặc giấy tờ khác chứng minh việc đánh bạc trái phép”.
Các đại biểu cũng đồng tình với việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và theo điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền này của người có trách nhiệm chuyển giao khi thỏa thuận đánh bạc.
Thượng tá Phạm Minh Khôi, Chánh án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn giải quyết các vụ án về tội đánh bạc. Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm tổng kết thực tiễn để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung một số vấn đề mới phát sinh, còn có vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Trong trường hợp có vướng mắc trong thực tiễn giải quyết án, các Tòa án cần xin ý kiến về chuyên môn để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.