Hội nghị tổng kết phong trào thi đua chuyên đề năm 2019: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính

Tòa án - Ngày đăng : 13:54, 22/11/2019

Ngày 22/11, tại Bến Tre, Cụm Thi đua số V ngành TAND đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua chuyên đề 2019 về “Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính”.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo TAND 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Án hành chính ngày càng phức tạp

Cụm thi đua số V (Cụm V) có 13 đơn vị TAND cấp tỉnh và 131 đơn vị TAND cấp huyện. Hằng năm, tổng số án thụ lý, giải quyết của Cụm V hơn 100.000 vụ, trong đó án hành chính thụ lý hơn 1.000 vụ. Lượng án hành chính tăng với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ việc mở rộng đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính 2015.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Biên Thùy, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, Phó Cụm trưởng Cụm V, trong thời gian qua, các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện đến Tòa ngày càng tăng, tính chất phức tạp. Tòa án hai cấp trong Cụm V đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết. Cụm V đã phát động phong trào thi đua chuyên đề năm 2019 về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Hội nghị tổng kết phong trào thi đua chuyên đề năm 2019: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính

Các đại biểu thảo luận

Từ ngày 01/5/2019 đến ngày 31/10/2019, TAND hai cấp trong Cụm V thụ lý tổng cộng 1.000 vụ án hành chính. So với cùng kỳ, số án thụ lý giảm 162 vụ, giải quyết 620 vụ, đạt tỷ lệ 62%, tăng 2,02%. Trong đó, án tạm đình chỉ là 18 vụ, án quá hạn là 29 vụ, số vụ đối thoại thành là 49 vụ, đạt tỷ lệ 7,9%. Số vụ không tổ chức đối thoại được do người bị kiện không tham dự là 196 vụ. Án bị hủy do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán là 16 vụ, chiếm tỷ lệ 2,6%. Án bị sửa do nguyên nhân chù quan của Thẩm phán là 8,5 vụ, chiếm tỷ lệ 1,37%. Cụm V tổ chức được 25 phiên tòa rút kinh nghiệm.

Một số đơn vị trong Cụm có tỷ lệ giải quyết cao như TAND hai cấp tỉnh Bến Tre thụ lý 57 vụ, giải quyết 46 vụ, đạt tỷ lệ 80,7%. TAND hai cấp tỉnh Trà Vinh thụ lý 32 vụ, giải quyết 28 vụ, đạt tỷ lệ 87,5%. TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Long thụ lý 52 vụ, giải quyết 46 vụ, đạt tỷ lệ 88,5%. TAND hai cấp tỉnh Kiên Giang có số án thụ lý rất cao, lên đến 216 vụ, giải quyết 120 vụ, chỉ đạt tỷ lệ 55,6%...

Chánh án TAND tỉnh Bến Tre Nguyễn Biên Thùy nhận định: Đa số các đơn vị trong Cụm có tỷ lệ giải quyết cao hơn so với cùng kỳ, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu tích cực trong thực thi nhiệm vụ. Ưu điểm đang lưu ý là Ban lãnh đạo TAND các tỉnh trong Cụm đều quán triệt, chỉ đạo các Thẩm phán giải quyết án hành chính thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 5/12/2018 của Chánh án TANDTC để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính. Thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt trong giải quyết án hành chính.

Hội nghị tổng kết phong trào thi đua chuyên đề năm 2019: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính

Chánh án TAND tỉnh Bến Tre

"Mổ xẻ" vướng mắc, đề xuất nhiều giải pháp

Tại Hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre

Đại diện nhiều Tòa án đã phân tích những  hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thẳng thắn nêu ra nguyên nhân và các giải pháp, bài học, kinh nghiệm thiết thực.

Theo đó, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ án hành chính đạt chưa cao so với chỉ tiêu phát động, án tồn đọng còn nhiều là do người bị kiện chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ. Thực tế này khiến Tòa án gặp khó khăn trong việc thu thập, phân tích, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án hành chính đúng thời hạn, dẫn đến phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Ngoài ra, người bị kiện còn chưa chủ động tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa khiến việc mở phiên tòa phải hoãn rất nhiều lần. Sự vắng mặt của người bị kiện làm chất lượng đối thoại, tranh tụng tại phiên tòa không đạt chất lượng.

Đại diện TAND tỉnh Kiên Giang, đơn vị có án hành chính tăng cao, băn khoăn trước thực trạng một số cơ quan hành chính ở địa phương đã không đối thoại, không tham gia phiên tòa, thậm chí không kháng cáo bản án. Các vụ án hành chính đa phần xuất phát từ huyện Phú Quốc, liên quan đến đất đai, dự án...

Đa số các vụ án hành chính sơ thẩm thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, các vụ kiện đều có tính chất rất phức tạp. Một số vụ án đã lên lịch đưa ra xẻt xử nhưng người bị kiện đề nghị tạm thời không đưa ra xét xử, để người bị kiện khắc phục các sai sót... Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án hành chính giải quyết chậm. Nhiều vụ án, người bị kiện không hợp tác hoặc hạn chế hợp tác với Tòa án trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan.

Nhiều vụ án hành chính phát sinh trong thời gian qua cũng do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là kiến thức pháp luật về đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Tại Hội nghị, các đại biểu nêu ra nhiều giải pháp và kinh nghiệm quan trọng. Theo đó, đề xuất lãnh đạo kiến nghị UBND các tỉnh trong việc quán triệt đến các UBND cấp huyện, thị xã và thành phố tham gia tố tụng; cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án đúng theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Thẩm phán giải quyết vụ án phải chủ dộng báo cáo, đề xuất hướng giải quyết án để lãnh đạo đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm ra giải pháp khắc phục giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Theo các đại biểu, phải xem kỹ năng tổ chức đối thoại trong vụ án là một trong những yếu tố quan trọng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án. Qua đó, Thẩm phán cần chủ động trao đổi với người bị kiện về căn cứ ban hành quyết định hành chính bị kiện, giúp người bị kiện thấy được sai sót và tự thu hồi quyết định bị kiện.

Thẩm phán cũng cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đương sự, xác định hành vi đúng sai của đương sự, kịp thời giải quyết mâu thuẫn, có căn cứ pháp luật để mang tính thuyết phục cao. Qua đó, có thể tổ chức đối thoại thành giữa các bên, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

Hội nghị tổng kết phong trào thi đua chuyên đề năm 2019: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính

Các tập thể cá nhân xuất sắc

Chánh án TAND tỉnh Bến Tre Nguyễn Biên Thùy nhận định: Các đại biểu tham dự Hội nghị đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính. Cụm V sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu để báo cáo TAND cấp cao, TANDTC.

Xác định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Cụm V nêu rõ: Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về các lĩnh vực, nhất là án hành chính cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký TAND hai cấp trong Cụm. Các  đơn vị trong Cụm phải có các giải pháp sát thực tế, tình hình để hoàn thành tốt chỉ tiêu giải quyết án hành chính do TANDTC đề ra. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND hai cấp trong công tác giải quyết án hành chính.

Cụm V kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy, HĐND các cấp, UBND cấp tỉnh tiếp tục có chỉ đạo đối với các cơ quan hành chính (người bị kiện) thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản trình bày ý kiến, cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Đồng thời, tích cực chủ động tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng Luật tố tụng hành chính.

Cũng tại Hội nghị, tổng kết phong trào thi đua về chuyên đề,các đại biểu đã bình bầu, biểu quyết chọn ra được 2 tập thể có thành tích xuất sắc là TAND tỉnh Hậu Giang và TAND tỉnh Trà Vinh; 2 cá nhân có thành tích xuất sắc là bà Hồ Thị Bích Thúy, Thẩm phán, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Thành Mới, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh Vĩnh Long. 

"Qua Hội nghị cho thấy khiếu kiện hành chính gia tăng, TAND các cấp đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực, thẩm quyền xét xử thay đổi, số liệu thống kê cho thấy lượng án Tòa án cấp tỉnh tăng cao, trong khi số lượng Thẩm phán không tăng nên là khó khăn. Việc thực hiện chuyên đề cho thấy sự nghiêm túc của Cụm thi đua số V. Tôi mong được nghe những cách làm tốt, làm hay để tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo, nâng cao tiến độ, chất lượng xét xử"- ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Bến Tre đánh giá.

 

Lê Hoàng