Quyền của bị hại theo quy định của BLTTHS 2015
Tòa án - Ngày đăng : 09:02, 06/08/2019
Quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật (điểm e khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Khi có căn cứ để cho rằng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tòa án không vô tư trong khi tiến hành tố tụng và người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật không vô tư trong khi tham gia tố tụng thì bị hại có quyền đề nghị thay đổi họ (khoản 2 Điều 50 BLTTHS 2015).
Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường (điểm g khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Bị hại có quyền đề nghị hình phạt đối với người phạm tội để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng xem xét sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và xác định sự thật khách quan của vụ án. Bị hại cũng có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại và các biện pháp bảo đảm bồi thường thiệt hại do tội phạm xâm phạm.
Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa (điểm h khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (điểm i khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): BLTTHS năm 2015 chính thức quy định đây là quyền của bị hại để họ có thể lựa chọn tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc là nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Ảnh minh họa
Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này (điểm k khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Vị trí và vai trò của bị hại khi họ tham gia tố tụng theo BLTTHS 2003 tương đối mờ nhạt và chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn xét xử của tòa án. Tuy nhiên đến BLTTHS 2015 với quyền được tham gia các hoạt động tố tụng hình sự thì vai trò của bị hại đã được chú trọng và nâng cao. Như vậy, bị hại có có thể được tham gia vào một số hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án.
Với quyền được tham gia một số hoạt động tố tụng quy định tại BLTTHS 2015, bị hại hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình như họ có được thông tin từ các cơ quan tiến hành tố tụng mà không phải chờ đến khi được thông báo. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải nỗ lực hết sức trong phạm vi khả năng của mình để bị hại được tham gia các hoạt động tố tụng theo luật định đồng thời phải tuân thủ những điều kiện nhất định như việc tham gia đó không ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án cũng như gây khó khăn hoặc cản trở đến hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác.
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa (điểm l khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Để bảo đảm an toàn cho bị hại, BLTTHS 2015 quy định thêm quyền rất thiết thực cho bị hại là được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho họ và người thân khi họ báo cáo về nguy cơ bị xâm hại hoặc có căn cứ cụ thể về những hành vi đe dọa họ nhằm gây sức ép hoặc cản trở quyền tố tụng của họ.
Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm thực hiện những biện pháp hợp lý để giải quyết những mối lo ngại về an ninh cho các bị hại, xác định tính chất và phạm vi của các biện pháp, đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra những lựa chọn hợp lý để giải quyết các mối đe dọa với nguồn lực sẵn có để đáp ứng quyền được bảo vệ của bị hại.
Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án (điểm m khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm n khoản 2 Điều 62 BLTTHS 2015): Người bị hại có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 469 BLTTHS 2015). Các quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định BLTTHS 2015.
Các hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của BLTTHS 2015 (Điều 70 BLTTHS 2015).