Quy định về phân loại tội phạm trong BLHS 2015
Tòa án - Ngày đăng : 08:29, 25/06/2019
Phân loại tội phạm theo mức độ nguy hiểm cho xã hội
Điều 9 BLHS 2015, quy định về phân loại tội phạm: 1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.".
Ảnh minh họa
Điểm mới về phân loại tội phạm của BLHS 2015 so với BLHS 1999 là tách quy định về phân loại tội phạm thành điều luật riêng biệt để tránh việc nhầm lẫn về các loại tội phạm. BLHS 1999 quy định về khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm trong cùng một điều luật tại Điều 8. BLHS 2015 tách nội dung phân loại tội phạm thành điều riêng biệt là Điều 9. Việc sửa như vậy là phù hợp vì khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm là hai nội dung hoàn toàn khác nhau, do đó việc gộp hai điều luật lại thành một dễ dẫn đến nhận thức không cụ thể, rạch ròi giữa hai khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm. Việc quy định phân loại tội phạm thành điều riêng đã thể hiện được tính minh bạch trong qui định tội phạm và phân loại tội phạm.
BLHS 2015 đổi dấu hiệu "gây nguy hại cho xã hội" thành dấu hiệu "có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội".
Theo quy định trại khoản 2 Điều 8 BLHS 1999 thì phân loại tội phạm phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó tội phạm được chia thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên khi qui định cụ thể về từng loại tội phạm thì tiêu chí phân loại tại khoản 3 Điều 8 BLHS 1999 lại lấy dấu hiệu nguy hại cho xã hội làm căn cứ. Do vậy, việc sửa đổi bổ sung dấu hiệu "gây nguy hại cho xã hội" thành "có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội" là nhằm bảo đảm tính đồng bộ của BLHS 2015.
BLHS 2015 sửa đổi căn cứ phân loại tội phạm ở tội ít nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015 thì việc xác định tội phạm ít nghiêm trọng phải dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS qui định đối với tội đó. Nếu hình phạt được qui định là hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù đến 03 năm thì xác định đó là tội ít nghiêm trọng.
Vấn đề này được nhà làm luật lý giải là việc xác định tội phạm ít nghiêm trọng chỉ căn cứ vào mức phạt tù không quá 03 năm như BLHS 1999 sẽ không bao quát hết các khung không có hình phạt tù. Vì vậy, BLHS 2015 bổ sung theo hướng ngoài qui định mức phạt tù đến 03 năm còn bổ sung thêm các hình phạt khác như phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại
Điều 9 BLHS 2015 đã được Quốc hội được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017, theo hướng cơ cấu lại toàn bộ điều luật này. Theo đó, 4 khoản (1, 2, 3 và 4) của Điều 9 được chuyển thành 4 tiết (a, b, c và d) của khoản 1 và bổ sung khoản 2 của điều này để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội và phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại. Khoản 2 Điều 9 quy định việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại theo hướng viện dẫn cách phân loại đối với cá nhân phạm tội, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện để quy định tương ứng hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Cách quy định này là cơ bản phù hợp trong điều kiện lần đầu tiên BLHS quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời, việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội thành 04 loại tương ứng với phân loại tội phạm đối với cá nhân còn là căn cứ xác định các loại thời hiệu, thời hạn, thẩm quyền... trong tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015, các hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội không chỉ có phạt tiền mà còn bao gồm cả hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 của Điều này thì “đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính”. Như vậy, trong những trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội bị áp dụng hình phạt đình chỉ (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) thì tội phạm trong trường hợp này được phân loại là tội phạm gì?
Điều 79 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn áp dụng đối với pháp nhân thương mại trong hai trường hợp:
“1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”.
Như vậy, nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79, tương ứng với mỗi tội danh trong phạm vi Điều 76 quy định, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Nếu đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì trường hợp này có thể xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng căn cứ vào đâu để phân loại tội phạm trong trường hợp đó cũng là vấn đề cần làm rõ.