Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Tòa án - Ngày đăng : 07:53, 23/06/2019

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Cùng với những thành tựu đạt được trong sự phát triển của kinh tế, những ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng làm phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Theo đó, bên cạnh các hành vi vi phạm của cá nhân, một số pháp nhân vì lợi ích cục bộ đã có những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Phạm vi áp dụng, khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 431, 432 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có nhiều điểm khác biệt so với thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội.

Các Điều (từ 431 đến 436) được quy định tại chương XXIX là thủ tục đặc biệt chỉ được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội. Ngoài các quy định này, thủ tục tố tụng đối với pháp nhân còn được áp dụng theo các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự với điều kiện các quy định đó không trái với các quy định tại Chương XXIX Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải đảm bảo 3 điều kiện: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.

Theo quy định tại Điều luật này, thẩm quyền khởi tố đối với pháp nhân phạm tội không khác so với thẩm quyền khởi tố cá nhân phạm tội.

Căn cứ, trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Ảnh minh họa

Khởi tố vụ án hình sự là việc Nhà nước chính thức công khai trước toàn xã hội có tội phạm xảy ra và bắt đầu triển khai các hoạt động thực hành quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện tội phạm đó. Vì vậy, quyết định khởi tố vụ án hình sự không phải bao giờ cũng chính xác, đầy đủ, nhiều trường hợp trong quá trình áp dụng các biện pháp điều tra các cơ quan có thẩm quyền mới có điều kiện thu thập các tình tiết, chứng cứ mới để tiếp tục giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, để kịp thời đấu tranh với tội phạm, BLTTHS năm 2015 quy định chỉ cần khi đã xác định được dấu hiệu của tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định khởi tố vụ án. Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự thì khác với chủ thể của tội phạm là cá nhân, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 31 tội phạm cụ thể, bao gồm các tội phạm thuộc 02 nhóm tội là “các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”; nhóm “các tội phạm môi trường” của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Lần đầu tiên, Bộ luật hình sự 2015 quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân phạm tội, do vậy, tương ứng BLTTHS 2015 quy định về thủ tục tố tụng đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự, thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, và quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Căn cứ, trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được thực hiện theo quy định như đối với cá nhân phạm tội.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục khởi tố bị can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân được thực hiện theo quy định như đối với cá nhân phạm tội.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng: Trường hợp người này bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân bao gồm: (i) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (ii) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (iii) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (iv) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế trên không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.

Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội: (i) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự; (ii) Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân; (iii) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra; (iv) Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt; (v) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân thuôc về Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung.

Thi hành án đối với pháp nhân: Trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Thủ tục rút gọn áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có các điều kiện: (i) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; (ii) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (iii) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (iv) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Phương Nam