Biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định của BLTTHS 2015

Tòa án - Ngày đăng : 15:13, 09/06/2019

Biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015 có nhiều điểm mới và quy định chặt chẽ hơn về căn cứ áp dụng so với Điều 88 BLTTHS 2003.

Tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS). Việc áp dụng biện pháp tạm giam nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, ngoài ra biện pháp ngăn chặn này còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án trong mỗi giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án).

Biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015 có  nhiều điểm mới và quy định chặt chẽ hơn về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam so với Điều 88 BLTTHS 2003. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện BLTTHS 2015 thấy còn có vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ trong việc áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại các điểm b, c, d  khoản 2, Điều 119 BLTTHS.

 Điều 119 BLTTHS quy định: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;  c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;…

Về quy định “Không có nơi cư trú rõ ràng”: Có ý kiến cho rằng để xác định được bị can, bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào các quy định của Luật Cư trú và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hướng dẫn thi hành Luật Cư trú để áp dụng.

Điều 12, Luật Cư trú quy định: Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định của BLTTHS 2015

Ảnh minh họa

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật… Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.

Nếu chiếu theo các quy định này thì việc xác định một công dân có nơi cư trú rõ ràng phải thuộc một trong các trường hợp: là nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi người đó đang sinh sống. Trên thực tế có rất nhiều vụ án để xác định được bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Bị can, bị cáo là người ngoại tỉnh (có hộ khẩu thường trú ở nơi khác nhưng không thường xuyên sinh sống ở nơi đó) hoặc bị can, bị cáo vừa có nơi thường trú vừa có nơi tạm trú lại có nơi đang sinh sống thì việc xác định nơi cư trú như thế nào?… ví dụ: Bị can, bị cáo là người ngoại tỉnh có nơi thường trú cụ thể, đến địa bàn tỉnh nơi thực hiện tội phạm đăng ký tạm trú sau đó thực hiện hành vi phạm tội…  

Về các quy định “… có dấu hiệu bỏ trốn… có dấu hiệu tiếp tục phạm tội…”: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để xác định được bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xem xét đánh giá. Nhưng thực tế việc xem xét, đánh giá lại gặp nhiều vướng mắc, vì: muốn xem xét các dấu hiệu trên phải dựa vào yếu tố thời gian, ý thức chủ quan, diễn biến hành vi của bị can, bị cáo… để xác định.

Ví dụ, trường hợp một người nghiện ma túy bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy (đủ khối lượng để xử lý hình sự theo khoản 1, Điều 249 BLHS), CQĐT đã áp dụng biện pháp tạm giữ. Hết thời hạn tạm giữ do có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, bị can, tuy nhiên đã có quan điểm khác nhau trong việc có áp dụng biện pháp tạm giam hay không: Quan điểm 1: Không áp dụng biệp pháp tạm giam nếu không thuộc một trong các căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 119 BLTTHS. Quan điểm 2: Phải áp dụng biện pháp tạm giam vì trong trường hợp này bị can là người nghiện ma túy nếu không áp dụng biện pháp tạm giam bị can sẽ tiếp tục phạm tội.

Muốn xem xét các dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội phải dựa vào yếu tố thời gian, ý thức chủ quan, diễn biến hành vi của bị can… nhưng trong trường hợp cụ thể nêu trên đã không có yếu tố thời gian và diễn biến hành vi của bị can để Người tiến hành tố tụng xem xét các dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội (vì đang tạm giữ). Về yếu tố chủ quan: Trên thực tế rất ít bị can thừa nhận hoặc khai nhận là mình sẽ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn, từ đó việc áp dụng biện pháp tạm giam dựa trên các dấu hiệu này sẽ rất khó áp dụng.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với loại tội phạm ma túy và tội phạm xâm phạm sở hữu cho thấy, trong quá trình điều tra, nhiều trường hợp bị can các Cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam (sau khi đã áp dụng biện tạm giữ) mà áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Từ đó gây khó khăn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng đến việc xử lý tội phạm, như: việc triệu tập bị can đến CQĐT, VKS, Tòa án để làm việc hoặc giao nhận các quyết định tố tụng, kéo dài thời hạn xử lý vụ án… riêng tội phạm về ma túy việc không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các bị can là những người nghiện ma túy thì chưa được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Vì vậy cần hướng dẫn việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để việc thực hiện được thống nhất nhằm đáp ứng công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.     

 

Phương Nam