Các biện pháp tha, miễn trong BLHS 2015
Tòa án - Ngày đăng : 10:31, 30/05/2019
Chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và chế định thời hiệu thi hành bản án: Theo quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 thì thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS và theo quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015 thì thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Tuy nhiên, Điều 28 BLHS năm 2015 lại quy định về những tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS và Điều 61 BLHS năm 2015 quy định về những tội phạm không áp dụng thời hiệu thi hành bản án. Theo đó, ngoài việc kế thừa quy định như trong BLHS năm 1999, những chế định mang tính nhân đạo này của pháp luật hình sự không được áp dụng đối với 2 nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm là Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI).
Bên cạnh đó, Điều 28 và Điều 61 BLHS năm 2015 còn được bổ sung quy định mới đối với 2 tội danh gồm tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354) thuộc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng cũng không được áp dụng những chế định nhân đạo này.
Một phiên tòa xét xử vụ án hình sự
Chế định miễn TNHS được quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015: Một trong hai căn cứ được miễn TNHS (dạng bắt buộc) liên quan đến hành vi phạm tội được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 là quy định mới “Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Đồng thời, thay đổi căn cứ được miễn TNHS “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” từ dạng bắt buộc sang dạng tuỳ nghi.
BLHS năm 2015 đã bổ sung một trong những căn cứ có thể được miễn TNHS (dạng tùy nghi) đối với người phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 bằng cụm từ “... và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”. Ngoài ra, khoản 3 là quy định mới của Điều 29, được bổ sung như một căn cứ để có thể được miễn TNHS (dạng tùy nghi) nếu người phạm tội đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Chế định miễn hình phạt: So với quy định trong BLHS năm 1999, quy định tại Điều 54 và Điều 59 BLHS năm 2015 về chế định miễn hình phạt đã được sửa đổi, quy định cụ thể hơn những trường hợp được miễn hình phạt. Theo đó, nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS thì có thể được miễn hình phạt.
Chế định miễn chấp hành hình phạt: Khoản 2 ngoài việc bổ sung một căn cứ miễn chấp hành hình phạt (dạng tuỳ nghi) đối với người bị kết án đó là “Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Đồng thời còn quy định giới hạn người bị kết án tù có thời hạn đến 03 năm tù chứ không quy định chung chung là “tù có thời hạn” như quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999. Ngoài ra, cũng đã quy định rõ ràng hơn về trường hợp xét miễn chấp hành hình phạt đối với người sau khi bị kết án đã “lập công” thay vì “lập công lớn” như quy định trước đây nhằm tránh khó khăn trong việc xác định lập công mức độ nào thì được coi là lớn. Bổ sung khoản 7, quy định mới về việc “Người được miễn CHHP vẫn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án”.
Chế định án treo được quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 gồm những điểm mới như: Bổ sung một số quy định thuộc dạng viện dẫn như tòa án phải buộc người bị án treo thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự (khoản 1 và khoản 5); Bổ sung thêm quy định “Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này” (khoản 3);
Bổ sung quy định: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải CHHP tù của bản án đã cho hưởng án treo” (khoản 5).
Một trong những điểm mới cơ bản của BLHS năm 2015 là lần đầu tiên đã quy định về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66). Mặc dù là một chế định hoàn toàn mới được quy định trong BLHS năm 2015 nhưng tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng là một trong những giải pháp để rút ngắn thời gian phải CHHP tù trong trại giam.
Chế định xoá án tích gồm có những điểm mới như sau: Khoản 2 Điều 69 bổ sung quy định mới về đối tượng không bị coi là có án tích là: Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt.
Đối với những trường hợp đương nhiên được xóa án tích, BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên những điều kiện được quy định trong BLHS năm 1999, đồng thời bổ sung thêm một số quy định mới cũng như quy định cụ thể hơn về điều kiện mới đối với người bị kết án là: hết thời gian thử thách án treo (nếu bị xử phạt án treo), đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.
Đồng thời, BLHS năm 2015 còn quy định các thời hạn không được phạm tội mới trong thời gian thử thách đối với từng loại và mức hình phạt đã áp dụng. Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng bổ sung thêm quy định đối với người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 70 thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 70 bổ sung quy định mới về trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Đối với những trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể, phân hóa TNHS cho từng trường hợp. Các quy định tại điều này là sửa đổi, bổ sung các quy phạm về việc xoá án tích với các điều kiện chặt chẽ hơn so với các điều kiện đương nhiên xóa án tích, thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp tha, miễn này.