TAND tỉnh Quảng Nam: Hội nghị sơ kết thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính
Tòa án - Ngày đăng : 22:32, 29/03/2019
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào; Thẩm phán TANDTC Nguyễn Thị Hoàng Anh.
Về phía địa phương có đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam; đồng chí Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Trương Trọng Tiến – Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam; cùng toàn thể đội ngũ lãnh đạo, Thẩm phán TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam và các Hòa giải viên tham gia hoạt động thí điểm.
Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đánh giá cao những thành tích mà các Trung tâm hòa giải, đối thoại đạt được trong thời gian qua.
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam Trương Trọng Tiến cho biết: qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam các Hòa giải viên, Đối thoại viên được lựa chọn đã đảm bảo đúng yêu cầu đề ra, có tâm huyết nhiệt tình, có trình độ chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác pháp luật. Các hành Hòa giải viên, Đối thoại viên đã thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn tại Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 của TANDTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Nhiều Hòa giải viên, Đối thoại viên thể hiện được năng lực, kỹ năng hòa giải, đối thoại với khả năng phân tích, vận động, thuyết phục tốt, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
Tính từ ngày 01/11/2018 đến ngày 15/3/2019, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp Quảng Nam đã tiếp nhận và thụ lý 1157 đơn khởi kiện các loại, đã hòa giải thành 472 đơn, đạt tỷ lệ 45,04%. Một số Trung tâm hòa giải, đối thoại có tỷ lệ hòa giả thành cao như Quế Sơn hòa giải thành 40/45 đơn, đạt tỷ lệ 67,79%; Điện Bàn 105/183 đơn, đạt tỷ lệ 57,37%; Duy Xuyên 52/91 đơn, đạt tỷ lệ 57,1%.
Bên cạnh đó, thông qua công tác hòa giải, đối thoại các Hòa giải viên, Đối thoại viên đã lồng ghép tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động thí điểm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Mặc dù, buổi đầu chưa có nguồn kinh phí nhưng lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị cải tạo, sửa chữa, trang bị phương tiện làm việc thiết yếu tại các trung tâm làm việc bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam Trương Trọng Tiến báo cáo tại Hội nghị
Tại hội nghị, Chánh án Trương Trọng Tiến Tiến đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc gặp phải như: về nhân sự của các trung tâm hòa giải, đối thoại nhất là thư ký giúp việc hầu hết các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam sử dụng Thư ký Tòa án kiêm nhiệm Thư ký giúp việc cho Trung tâm. Đây là khó khăn lớn bởi số lượng các loại án hàng năm của TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam phải thụ lý và giải quyết rất lớn, năm sau cao hơn năm trước nhưng chỉ tiêu biên chế chưa được phân bổ, khối lượng công việc của Thư ký rất nhiều nhưng phải kiêm nhiệm làm Thư ký giúp việc cho Trung tâm là rất khó khan. Bên cạnh đó, số lượng đơn khởi kiện chuyển cho Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam thụ lý không nhiều, tỷ lệ hòa giải thành đối với đơn khởi kiện hành chính và dân sự chưa cao.
Đối với vụ việc dân sự chủ yếu là các tranh chấp đất đai phức tạp, khi nộp đơn đương sự không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ kèm theo, mặc dù các Hòa giải viên đã kiên trì thuyết phục nhưng kết quả đem lại không cao. Việc tổ chức phiên hòa giải, đối thoại còn gặp nhiều khó khăn do đương sự cố tình không đến, ý thức chấp hành pháp luật của một số đương sự chưa cao. Kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên, Đối thoại viên chưa đồng đều nên việc giải quyết những vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động phức tạp còn gặp nhiều khó khăn.
Qua thời gian triển khai thí điểm đến nay các Trung tâm hòa giải, đối thoại bước đầu phù hợp với tình hình thực tiễn tại Quảng Nam
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đã biểu dương những kết quả mà các Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam đã đạt được, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo cán bộ ngành Tòa án đã tham gia tích cực cùng các Hòa giải viên, Đối thoại viên tại các trung tâm hòa giải, đối thoại trong thời gian qua. Bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan và phù hợp với thực tiễn tình hình tại Quảng Nam.
Tại Hội nghị, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào cũng giải thích và đưa ra một số yêu cầu và kỹ năng cần thiết đối với Hòa giải viên. Trong quá trình tiếp xúc làm việc với đương sự, đội ngũ cán bộ công chức Tòa án, Hòa giải viên, Đối thoại viên cần nhận thức đầy đủ và làm theo bằng những hành động thiết thực nhất, luôn tôn trọng, lắng nghe các bên đương sự tùy theo vụ việc cụ thể. Chủ động nắm bắt thông tin, bản chất vụ việc trước khi thực hiện quy trình hòa giải, đối thoại. Cần phân tích, giải thích các bên đương sự nhận thức rõ đúng sai mà rút đơn khởi kiện hoặc rút quyết định hành chính, hành vi hành chính nhằm hạn chế các vụ việc tranh chấp phải đưa ra xét xử. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức cá nhân hiểu rõ hơn mục đích ý nghĩa, tác dụng của hoạt động hòa giải, đối thoại. Cần phải lưu ý ngay từ khi nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán Thư ký Tòa án phải giải thích, thuyết phục đương sự về lợi ích của việc hòa giải, đối thoại. Nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, đương sự không phải đến Tòa án nhiều lần như vậy đương sự sẽ dễ dàng chấp nhận, hợp tác và tích cực tham gia vào quá trình hòa giải, đối thoại.