Hội nghị tập huấn chuyên đề áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án

Tòa án - Ngày đăng : 17:33, 25/02/2019

Ngày 25/2, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án" thông qua hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có các lãnh đạo đơn vị thuộc TANDTC; các đồng chí Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và các thành viên tham gia tập huấn tại các điểm cầu trong hệ thống TAND. 

Tại Hội nghị, đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC và Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán TANDTC đã truyền đạt các nội dung chuyên đề về giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án Việt Nam.

Liên quan đến chuyên đề về giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào đã trình bày chi tiết những vấn đề cốt lõi của vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

 

Hội nghị tập huấn chuyên đề áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án

Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào phát biểu tại Hội nghị tập huấn 

Theo đó, giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài là việc Toà án dùng những cách thức phù hợp trên cở sở của pháp luật nhằm giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn của các bên trong quan hệ tranh chấp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị xâm hại, đồng thời buộc bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định do hành vi của họ gây ra. Toà án đóng vai trò là cơ quan tài phán có quyền nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài buộc các bên có nghĩa vụ thi hành. 

Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp: Bị đơn là cá nhân, cơ quan tổ chức có trụ sở hoặc chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam; Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam; Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam; Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam...

Đối với những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. Ngoài ra, các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

 

Hội nghị tập huấn chuyên đề áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán TANDTC trình bày tại Hội nghị tập huấn 

Truyền tải về các nội dung liên quan đến việc “Áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án", Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán TANDTC nhấn mạnh, tương trợ tư pháp về hình sự là việc các quốc gia giúp đỡ, hỗ trợ phối hợp với nhau trong việc điều tra, truy tố hoặc các thủ tục tố tụng khác trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có tổ chức xuyên quốc gia thông qua Cơ quan Trung ương của mỗi quốc gia trên cơ sở Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà các nước ký kết hoặc trên nguyên tắc có đi có lại.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán TANDTC, công  tác tương trợ tư pháp hình sự tại Việt Nam đã đi vào hoạt động một cách bài bản và chất lượng. 

Từ ngày 1/7/2017 đến ngày 31/8/2018, Tòa án cấp cao và các tòa án cấp tỉnh đã gửi ra nước ngoài 2069 hồ sơ ủy thác tư pháp để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động.

Trong đó, có 94 yêu cầu được gửi theo kênh ngoại giao; 1975 yêu cầu được gửi theo kênh Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; 1291 yêu cầu theo kênh Công ước tống đạt giấy tờ; 684 yêu cầu theo kênh Hiệp định tương trợ tư pháp.

Kết thúc Hội nghị, Thẩm phán Tống Anh Hào, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Anh mong muốn các đồng chí Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký sẽ vận dụng những kiến thức tiếp thu, lĩnh hội trong đợt tập huấn này để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Đỗ Việt