Thấy dấu hiệu đáng ngờ phải báo cáo ngay

Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012

Bộ Xây dựng vừa công bố Dự thảo lần thứ 3 Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản.

Giao dịch bất động sản từ 2 giao dịch trở lên trong 1 ngày là dấu hiệu đáng ngờ


Các biện pháp phòng chống


Dự thảo Thông tư quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin về khách hàng như: Khách hàng thiết lập mối quan hệ lần đầu với tổ chức báo cáo; Khách hàng thực hiện các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt có giá trị lớn; Khách hàng thực hiện các giao dịch đáng ngờ; Khách hàng thực hiện số lượng giao dịch bất động sản từ 2 giao dịch trở lên trong 1 ngày; khách hàng mua, bán từ 2 bất động sản trở lên trong một lần (kể cả khách hàng mua và bán bất động sản); Các trường hợp tổ chức báo cáo xem xét hồ sơ về bất động sản, hồ sơ về dự án bất động sản, hồ sơ về khách hàng thấy có nghi ngờ về tính trung thực của hồ sơ.


Tổ chức báo cáo tự thiết kế mẫu nhận biết khách hàng nhưng phải đảm bảo các thông tin tối thiểu như sau:


Đối với khách hàng là cá nhân người Việt Nam: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; chỗ ở hiện tại; nghề nghiệp, chức vụ; điện thoại ; đơn vị công tác, địa chỉ đơn vị công tác;


Đối với khách hàng là cá nhân nước ngoài có thêm thông tin về thị thực nhập cảnh, lý do nhập cảnh; địa chỉ tạm trú ở Việt Nam; nơi ở tại nước ngoài trong vòng 6 tháng trước khi vào Việt Nam và địa chỉ thường trú ở nước ngoài; nghề nghiệp, chức vụ; đơn vị công tác, địa chỉ đơn vị công tác; điện thoại…


Trường hợp tài khoản hoặc bất động sản do nhiều khách hàng đứng tên chủ sở hữu thì phải cung cấp đầy đủ những thông tin nêu trên đối với từng khách hàng.


Đối với khách hàng là tổ chức tên đơn vị giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; số, ngày cấp giấy phép thành lập, người đại diện… Số tiền ban đầu của tài khoản hoặc giao dịch giá trị tính theo nội tệ hoặc giá trị tính theo ngoại tệ và tỷ giá chuyển đổi (nếu cần); Mục đích và giá trị của tài khoản hoặc giao dịch; Thông tin về người được hưởng lợi; Thông tin về chủ đầu tư các dự án bất động sản, thông tin về dự án bất động sản; Tên và chữ ký của nhân viên tổ chức báo cáo chịu trách nhiệm duyệt mở tài khoản hoặc xử lý giao dịch với khách hàng.


Biện pháp nhận biết khách hàng được quy định bằng cách, sử dụng các tài liệu, dữ liệu gốc đáng tin cậy để nhận dạng và xác minh nhận dạng khách hàng như sau:


Đối với khách hàng là cá nhân: giấy chứng minh thư nhân dân, thị thực xuất - nhập cảnh gần nhất, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng hoặc các giấy tờ tuỳ thân hợp lệ khác có ảnh của khách hàng và có đóng dấu giáp lai lên ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp.


Đối với khách hàng là tổ chức: giấy phép hoặc quyết định thành lập, quyết định đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, báo cáo tài chính đã được kiểm toán; quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng.


Thông tin về cùng một khách hàng được khai báo khác nhau trong các lần giao dịch khác nhau; Khách hàng tỏ ra không quan tâm đến giá cả bất động sản, phí giao dịch phải trả; Khách hàng giao dịch không có ủy quyền nhưng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản, không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; Giá cả thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá cả thị trường; Tổ chức báo cáo tự bổ sung và nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ của các giao dịch bất động sản là những dấu hiệu đáng ngờ.


Dấu hiệu đáng ngờ


Những dấu hiệu giao dịch đáng ngờ được dự thảo đưa ra như sau: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng; Giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp; Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo (ví dụ: con dấu giả, chữ ký giả, chứng minh thư giả, hộ chiếu giả, địa chỉ bất động sản không đúng thực tế...); Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; Địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác (ví dụ như: ghi địa chỉ tại quận B, tỉnh A nhưng trên thực tế tỉnh A không có quận B...) và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước.


Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, Tổ chức báo cáo phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Trong trường hợp cần thiết tổ chức báo cáo có thể báo cáo cho Cơ quan trên bằng các phương tiện fax hoặc điện thoại nhưng sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản trong vòng 48 giờ đối với giao dịch đáng ngờ kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu đáng ngờ. Trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm, tổ chức báo cáo phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện.


Dự thảo cũng đưa ra những nguyên tắc áp dụng các biện pháp tạm thời, không thực hiện giao dịch trong một số trường hợp.

Bảo Thư

congly.com.vn