Bộ luật hình sự 2015: Tạo thuận lợi cho việc đấu tranh với tội phạm mua bán người
Tòa án - Ngày đăng : 13:12, 20/11/2018
Tội mua bán người, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện tội phạm đã xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền làm người của nạn nhân, coi con người như một món hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi nhuận...
Đáp ứng yêu cầu ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tính răn đe, kịp thời xử lý có hiệu quả đối với tội phạm xảy ra, tội mua bán người được quy định ở Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đã có những thay đổi khá lớn trong cấu thành cơ bản của điều luật.
Về mặt khách quan, khắc phục điểm hạn chế của BLHS 1999, tội mua bán người được quy định ở BLHS 2015, mặc dù tên gọi không thay đổi, nhưng nội hàm “mua” và “bán” quy định trong điều luật đã được chỉ rõ bằng những hành vi cụ thể mà tội phạm thường hay thực hiện như: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn khác” để có được nạn nhân trong quá trình: “Tuyển mộ”, “vận chuyển”, “chứa chấp” và “chuyển giao”, “tiếp nhận người” nhằm thực hiện hành vi mua bán người. Đây là những thay đổi mang tính cơ bản, phản ánh đúng thực tế khách quan những hành vi phổ biến mà tội phạm mua bán người thường thực hiện trong quá trình phạm tội.
Theo đó, Điều 150 BLHS 2015 quy định về Tội mua bán người: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm...”. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”.
Xét xử vụ án mua bán người
Việc quy định yếu tố “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn khác” trong cấu thành của điều luật lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng thu thập chứng cứ, làm rõ trách nhiệm hình sự và xác định tội danh.
Trong thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, để phân biệt, làm rõ giữa tội phạm mua bán người và các loại tội phạm khác có liên quan như: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, chứa mại dâm, môi giới mại dâm hay môi giới kết hôn, môi giới lao động là khá khó khăn. Do vậy, việc làm rõ trước và trong quá trình thực hiện tội phạm mua bán người, đối tượng đó đã có những hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn khác là cần thiết, sẽ giúp cơ quan điều tra xác định rõ đâu là hành vi mua bán người vốn đặc trưng bởi yếu tố bạo lực, hăm dọa, cưỡng ép hoặc lừa gạt và đâu là các hành vi phạm tội khác mà các yếu tố về bạo lực thường không tồn tại hoặc nếu có thì tính chất cũng khác.
Về mặt chủ quan, tội mua bán người được quy định ở Điều 119, BLHS 1999 được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, có mục đích chủ yếu là vụ lợi, “đổi người lấy tiền”, nhưng ở BLHS 2015, ngoài tính vụ lợi, yếu tố chủ quan được cụ thể hóa, và thể hiện rõ tính nguy hiểm của tội phạm mua bán người bằng việc bổ sung yếu tố mục đích của tội phạm là nhằm bóc lột: “Để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”. “Lợi ích” mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi phạm tội này không chỉ là khoản tiền lợi ích thu được từ việc mua bán người mà là những lợi ích lớn hơn, lợi ích lâu dài thu được từ việc “bóc lột” nạn nhân. Mặt khác, quy định yếu tố mục đích “bóc lột” còn là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội phạm mua bán người với một số tội phạm khác như: Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 120 BLHS 2015.
Về hậu quả của hành vi mua bán người: Điều 150 BLHS 2015 quy định, hậu quả của tội phạm mua bán người đã được bổ sung đó là: Nạn nhân bị bóc bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Việc bổ sung này có ý nghĩa giúp cho cơ quan điều tra dễ dàng hơn trong việc xác định thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, cũng như xác định tội danh được chính xác.
Về hình phạt: So với BLHS năm 1999, thì tại Điều 150 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể hơn các hành vi mua bán người và mức hình phạt cao hơn (Khoản 1 có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù; khoản 2 có khung hình phạt từ 8 năm đến 15 năm tù và khoản 3 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù. Mức phạt tiền cũng tăng từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, người phạm tội có thể còn bị tịch thu tài sản).
Việc sửa đổi quy định về tôi mua bán người trong BLHS 2015 phù hợp với nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người của pháp luật quốc tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống loại tội phạm này trong thời gian vừa qua.