Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phòng, chống mua bán người

Tòa án - Ngày đăng : 10:16, 03/11/2018

Để hoàn thiện pháp luật về phòng chống mua bán người, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người theo quy định của BLHS 2015.

Xét xử kịp thời các vụ án mua bán người

Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, nhiều ý kiến nhận định việc xử lý loại hình tội phạm này còn những vướng mắc nhất định.

Theo đại diện VKSNDTC, qua công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người cho thấy hầu hết bị hại trong các vụ án thường là những người ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh khó khăn nên việc cơ quan pháp luật triệu tập đến để ghi lời khai và tham gia các hoạt động tố tụng khác nhằm mở rộng điều tra vụ án gặp nhiều trở ngại; nhiều vụ án khi đưa ra xét xử các bị hại vắng mặt nên phải hoãn phiên tòa. Bên cạnh đó, việc xác định địa chỉ và độ tuổi của một số trẻ em bị mua bán để làm căn cứ xử lý vụ án cũng rất phức tạp vì một số bị hại không rõ nơi cư trú; các đối tượng mua bán người, trẻ em thường cấu kết với người nước ngoài do đó không có điều kiện để điều tra, xác minh xử lý triệt để.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về “Tội mua bán người” (Điều 150), “ Tội mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151) và một số tội phạm khác có liên quan.

Về việc xét xử tội phạm mua bán người tại các Tòa án, từ năm 2012 đến năm 2017 các vụ án về tội phạm mua bán người đều được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định; tỷ lệ xét xử hàng năm đều đạt trên 90%. Bên cạnh đó, việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung về cơ bản có căn cứ, đúng pháp luật; các TAND địa phương đã tổ chức hơn 200 phiên tòa xét xử lưu động tại những địa bàn trọng điểm, các địa phương giáp với vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

 Nhìn chung, việc giải quyết, xét xử các vụ án về tội phạm mua bán người trong thời gian quan đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hình phạt áp dụng nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Các hội đồng xét xử đều cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng khi xem xét cho bị cáo hưởng án treo và các hình phạt không phải là hình phạt tù.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phòng, chống mua bán người

Theo VKSNDTC, quá trình triển khai thực hiện BLHS 2015, ngoài những thuận lợi, trong một số điều luật về tội phạm mua bán người đã có sự thay đổi về nội dung so với trước đây, do đó trong một số vụ án cụ thể, việc đánh giá chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn. Tình tiết “thủ đoạn khác” của tội mua bán người quy định tại Điều 150 BLHS 2015 còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên cũng dẫn đến việc xác định tội danh chưa thống nhất. Thực tế các dấu hiệu khách quan của hành vi mua bán người với di cư trái phép tương tự nhau, trong khi đó BLHS 2015 không quy định tội “Di cư trái phép", do đó cần có hướng dẫn để không nhầm lẫn.

Cần ban hành các văn bản hướng dẫn

Từ thực tế xét xử cho thấy có một số vụ án mua bán người, bị cáo đưa ra xét xử ít người là địa phương mà ở các địa phương khác. Có những đứa trẻ cơ quan biên phòng bắt giữ, trao trẻ lại thì đứa trẻ đó không biết bố mẹ là ai nên không thể tìm được bị hại. Hoặc có nhiều vụ án mua bán người, bị hại bị đưa ra nước ngoài không xác định được họ ở đâu?. Do đó, trong xét xử không đảm bảo quyền lợi cho bị hại như tống đạt giấy tờ, vậy xét xử có vi phạm tố tụng hay không đề nghị hướng dẫn.

Tội phạm mua bán người thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, thì chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện nên khi điều tra, thì việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội. Nếu người bị hại khai ngoài bản thân mình, còn nhiều người khác bị đối tượng lừa bán, thì rất khó chứng minh nếu đối tượng phạm tội không thừa nhận. Chính vì vậy dễ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội.

Trong trường hợp xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người nhưng không xác định được người bị hại do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài hoặc không xác định được đang ở đâu, khi Viện kiểm sát truy tố chuyển hồ sơ sang, Tòa án có thể thụ lý vụ án tiến hành xét xử vắng mặt người bị hại theo thủ tục chung hay áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu xác định và đưa người bị hại vào tham gia tố tụng… cũng là vướng mắc cần được hướng dẫn.

Đối với các vụ án truy xét rất khó xác định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” vì trong trường hợp này, chúng ta chỉ xác định được trong trường hợp nạn nhân trở về và tố cáo với cơ quan Công an. Còn trong trường hợp có đủ chứng cứ đề chứng minh đối tượng phạm tội có hành vi mua bán nhiều người nhưng có những người chưa trở về hoặc không xác định được đang ở đâu nếu họ đã bị lấy đi bộ phận cơ thể nào đó thì xử lý thế nào? Tương tự như vậy, tình tiết làm nạn nhân tự sát cũng rất khó xác định trong trường hợp không xác định được người bị hại đang ở đâu nếu họ tự sát do bị làm nhục thì cũng không có căn cứ để xử lý đối với người phạm tội (việc tự sát có thể làm nạn nhân chết hoặc không chết).

Việc xác định giá trị hưởng lợi do phạm tội mà có là rất khó khăn trong thực tiễn, bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện giữa người mua và người bán, mà người bị hại có thể biết hoặc không thể biết được giá trị mua bán của bản thân mình, dẫn đến việc không thể xác định được giá trị hưởng lợi do phạm tội mà có. Đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, việc chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan.

Để hoàn thiện pháp luật về phòng chống mua bán người, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người theo quy định của BLHS 2015. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng, ký kết các văn bản, hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án về tội phạm mua bán người với các quốc gia, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người và các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.

Phương Nam