TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính
Tòa án - Ngày đăng : 16:16, 01/11/2018
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC, Trưởng ban Chỉ đạo thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND; đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo các Ban, Sở, ngành có liên quan và toàn thể các Hòa giải viên, Đối thoại viên tại 06 Trung tâm hòa giải, đối thoại thí điểm gồm: Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Quảng Ninh; các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại các Tòa án thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí và thị xã Quảng Yên.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Ninh chủ động, tích cực đảm bảo hoạt động hiệu quả của Trung tâm, kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc, áp dụng các kỹ năng hòa giải, với nền tảng kinh nghiệm thực tiễn, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác hòa giải, đối thoại…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy đánh giá cao sự đóng góp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua các cơ quan tư pháp tỉnh Quảng Ninh trong đó có TAND hai cấp đã rất quyết liệt trong công tác cải cách tư pháp, trong đó công tác hòa giải, đối thoại mang lại hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy ghi nhận, biểu dương những đóng góp của TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh
Tiếp thu ý kiến quán triệt, chỉ đạo của đồng chí Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cùng sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án. Có thể thấy trong những năm qua kết quả hoà giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đặc biệt, hòa giải, đối thoại dựa trên nền tảng công tác dân vận là một giải pháp hiệu quả, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “…Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Tiền tiếp thu ý kiến chỉ đạo
Vừa qua, để đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính, ngày 01/10/2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số TAND, trong đó có TAND tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 06 đơn vị TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các Hòa giải viên, Đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án. Chi phí, bồi dưỡng cho Hòa giải viên, Đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả cho Hòa giải viên, Đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, đồng chí Đặng Phúc Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Trung tâm cho rằng: Việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 06 đơn vị thuộc TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Đồng thời, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế, trong khi số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.