Tọa đàm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tòa án - Ngày đăng : 19:43, 16/10/2018
Để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài nhằm hoàn thiện mô hình hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ngài Tokura Saburo, Thẩm phán TATC Nhật Bản và đoàn công tác, TANDTC tổ chức buổi tọa đàm trao đổi giữa Thẩm phán Tokura Saburo với các cán bộ có liên quan thuộc Ban chỉ đạo và tổ giúp việc của Đề án thí điểm về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đến dự và chủ trì có Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC cùng các thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND Việt Nam.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Thông tin tại buổi tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, TANDTC hiện nay đang bước vào những năm cuối cùng của Chiến lược cải cách tư pháp. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng xét xử.
Thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hải Phòng và 09 TAND cấp huyện của TP Hải Phòng từ tháng 3 đến hết tháng 9/2018.
Cũng theo Phó Chánh án TANDTC, hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án. Đồng thời, kết quả hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết toàn dân.
Qua 06 tháng triển khai, cùng với sự hỗ trợ của Thẩm phán Hoa Kỳ, 10 trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra tòa hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Kết quả hòa giải, đối thoại thành công 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Trong đó có 1.606 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con; 159 vụ tranh chấp dân sự; 45 vụ kinh doanh thương mại; 4 vụ tranh chấp lao động; 13 vụ khiếu kiện hành chính.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, trong bối cảnh TANDTC đang tích cực triển khai thí điểm công tác hòa giải tại Tòa án thì việc nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết và hữu ích.
Nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả này và thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 6, ngày 15/9/2018. TANDTC tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác. Cùng với đó, hiện nay, TANDTC đang triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị Quốc hội bổ sung Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019. Trong thời gian tới, TANDTC cũng sẽ biên soạn Giáo trình và Sổ tay Thẩm phán về công tác hòa giải, đối thoại để các Thẩm phán tham khảo; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm công tác hòa giải, đối thoại và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.
Thẩm phán Tokura Saburo rất ấn tượng trước những thành quả và kết quả ban đầu mà TANDTC đạt được trong tiến trình cải cách, cũng như áp dụng thí điểm mô hình hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tại buổi tọa đàm, Thẩm phán Tokura Saburo trình bày sơ lược về hòa giải theo pháp luật Nhật Bản. Theo đó, chế độ hòa giải Nhật Bản được hơn 90 năm, ban đầu xây dựng hòa giải để rút ngắn thời gian và lắng nghe nguyện vọng của các bên. Hòa giải viên thường là luật sư, người làm về luật, những người có kiến thức xã hội hoặc những người có uy tín và chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan. Thông thường khi giải quyết tranh chấp dân sự, Hội đồng gồm 03 người, trong đó, 01 Thẩm phán và 02 hòa giải viên.
Khoảng 10 năm trước, Nhật Bản có hàng trăm nghìn đơn yêu cầu hòa giải liên quan đến tranh chấp tín dụng. Khi đó, TATC Nhật Bản đã đưa ra quy định là những vụ việc này phải qua trung tâm hòa giải. Đến năm 2017, số lượng đơn đã giảm xuống còn 32.000 đơn. Nhìn chung, số lượng đơn mà trung tâm hòa giải thụ lý có xu hướng giảm dần. Hòa giải giúp giảm tải công việc tại Tòa án.
Cũng tại buổi tọa đàm, các cán bộ có liên quan thuộc Ban chỉ đạo và tổ giúp việc của Đề án thí điểm về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án thuộc TANDTC đã có nhiều câu hỏi dành cho Thẩm phán Tokura Saburo về khuôn khổ pháp lý và thực tiễn hòa giải tại Nhật Bản. Qua đó để tìm hiểu thêm thông tin và những vấn đề mà có thể vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam nhằm từng bước hoàn thiện mô hình hòa giải.
Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) trình bày tình hình triển khai thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng
Qua phần trình bày của Thẩm phán Tokura Saburo, các thành viên hiểu được lịch sử phát triển hòa giải ở Nhật Bản. Đặc biệt là sự thấu hiểu vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hòa giải trong quá trình giải quyết các tranh chấp. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cũng rất ấn tượng việc hoàn thiện pháp luật về hòa giải ở Nhật Bản trong những năm vừa qua.
Thay mặt lãnh đạo TADNTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cùng các thành viên tại buổi tọa đàm bày tỏ trân trọng cảm ơn Thẩm phán Tokura Saburo đã chia sẻ những điều thiết thực của ông trong quá trình xây dựng phát triển và chế định về hòa giải tại Tòa án ở Việt Nam. Trong bối cảnh TANDTC đang tích cực triển khai thí điểm công tác hòa giải thì việc nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết và hữu ích.
Thẩm phán Tokura Saburo cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, kiên nhẫn, chú ý lắng nghe trong quá trình trao đổi và thông qua các câu hỏi. Thẩm phán TATC Tokura Saburo đánh giá cao tình thần muốn tìm hiểu kinh nghiệm cũng như thông tin của các thành viên. Cùng với đó, ông rất ấn tượng trước những thành quả và kết quả ban đầu mà TANDTC đạt được trong tiến trình cải cách, cũng như áp dụng thí điểm mô hình hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, đồng thời ông luôn sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với TANDTC.