Hội thảo Thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn
Tòa án - Ngày đăng : 20:12, 20/09/2018
Tham dự Hội thảo, có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, thành viên Hội đồng Thẩm phán, Thẩm phán TANDTC; Tiến sĩ Trần Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC; Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG); đại diện các Tòa án cấp cao, các Tòa án tỉnh thành, đại diện các bộ ngành cùng một số công ty doanh nghiệp có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết Luật Phá sản ngay từ khi ra đời đã có những bất cập, khó khăn. Bên cạnh đó, bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính vừa có hiệu lực 01/7/2016 và gần đây nhất là Bộ Luật dân sự, bộ Luật Tố tụng hình sự cũng có những vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành các văn bản kịp thời hướng dẫn để thống nhất áp dụng pháp luật.
Đồng chí Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sau 3 năm thực hiện Luật Phá sản, TANDTC tổ chức hội thảo Thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn, nhằm trao đổi về những điều được, và các tồn đọng, bất cập gây khó khăn trong công tác xét xử thực tiễn của Luật Phá sản 2014.
Hội thảo lần này tập trung chủ yếu 2 vấn đề: chia sẻ những vấn đề kinh nghiệm thi hành luật, những bất cập thực tiễn cần phải đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền để ban hành các văn bản hướng dẫn; và đóng góp những vấn đề Luật Phá sản chưa quy định, hay quy định còn bất cập để tổng kết báo cáo, qua đó tiến hành xem xét sửa đổi bổ sung.
“Trong thực tế, để xử lý vụ việc phá sản, TAND các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử án. Các vụ việc thường phải kéo dài, gặp nhiều khó khăn, các Thẩm phán rất ngại khi phải tiếp xúc xử lý các vụ phá sản. Trong buổi Hội thảo ngày hôm nay, bằng những kinh nghiệm thực tế, những nghiên cứu lý luận, chúng ta đưa ra những giải pháp, đề xuất cụ thể, trực tiếp hướng dẫn tháo dỡ những khó khăn trong quá trình xét xử. Từ những đóng góp, chia sẻ của các đại biểu, Hội thảo lần này có thể nâng cấp, tổng hợp thành văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hướng dẫn Hội đồng Thẩm phán, qua đó, áp dụng thống nhất pháp luật, tạo nên sự thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả trong quá trình xử án”, ông Nguyễn Văn Tiến, thành viên Hội đồng Thẩm phán, Thẩm phán TANDTC chia sẻ.
Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thi hành Luật Phá sản năm 2014, ông Trần Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC, đã tổng hợp hơn 23 báo cáo của các Tòa án tỉnh. Qua đó, năm 2017, số lượng vụ việc yêu cầu phá sản được các tòa án thụ lý, giải quyết đã tăng lên rất nhiều: 439 vụ việc, trong đó có 45 quyết định tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, mức độ áp dụng Luật Phá sản ở nước ta đã tăng lên, nhưng không đồng đều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Về những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Phá sản năm 2014, Tiến sĩ Trần Văn Hà cho rằng có 8 vấn đề chính: Một là những quy định về đối tượng áp dụng Luật, tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Hai là thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chí phí phá sản, cũng như thời hạn thông báo, tống đạt các văn bản tố tụng cho các chủ nợ ở nước ngoài; Ba là thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; Bốn là những xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo; Năm là các biện pháp bảo toàn tài sản; Sáu là điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ và biểu quyết thông qua Hội nghị chủ nợ; Bảy là tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; và cuối cùng là thủ tục thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Theo đó, ông chỉ ra 4 nguyên nhân chủ quan, khách quan như: nhận thức pháp luật phá sản còn chưa đồng đều; nhiều quy định của Luật Phá sản 2014 phản ánh những tư tưởng mới (khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán), chế định mới (Quản tài viên); một số quy định của Luật Phá sản chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; việc giải quyết vụ việc phá sản là loại việc khó, được đánh giá là “siêu vụ án” trong khi thực tiễn nhiều Tòa án chưa có nhiều vụ việc phải giải quyết dẫn đến lúng túng.
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Huyền – Chuyên gia cao cấp, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), trực thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBC) khẳng định cần phải phân biệt khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và khái niệm phá sản. Bên cạnh đó, Luật Phá sản cũng cần phải làm rõ vấn đề công khai thông tin phá sản, tái cơ cấu và phục hồi kinh doanh doanh nghiệp; khái niệm, các quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên; so sánh Luật Phá sản với các luật của nước ngoài, cũng như tinh thần xây dựng luật trong sự liên kết chặt chẽ với bộ luật khác trong nước.
Về giải pháp, bà Phạm Thị Thanh Huyền đề xuất việc hướng dẫn việc thi hành Luật Phá sản trên cơ sở kiện toàn về vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia giải quyết vụ việc phá sản; hướng dẫn việc thi hành Luật và các vấn đề liên quan trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất áp dụng luật; và phát triển công tác thống kê về hoạt động phá sản, công khai thông tin đầy đủ về Quản tài viên.
Bổ sung cho Hội thảo, trong tham luận “Những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Phá sản năm 2014, các văn bản hướng dẫn và kiến nghị”, Thạc sĩ Tô Thị Kim Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III, TANDTC đề xuất cần quy định rõ hơn tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản; quy định cụ thể về thủ tục yêu cầu thanh toán tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; bổ sung quy định thủ tục về trường hợp không tìm thấy địa chỉ của người mắc nợ; và hướng dẫn chi tiết về việc bù trừ nghĩa vụ giữa chủ nợ và người mắc nợ khi Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong 2 ngày 20-21/9, các đại biểu sẽ tiếp tục lắng nghe 7 tham luận còn lại của Tòa án các tỉnh, địa phương về những vướng mắc, và kinh nghiệm áp dụng Luật Phá sản thực tiễn. Qua đó, Vụ Pháp chế có những tổng hợp, báo cáo để đề xuất thay đổi, bổ sung Luật Phá sản 2014.