Thi hành Luật Tố tụng hành chính: Đừng coi thường những “đốm lửa nhỏ”

Tòa án - Ngày đăng : 10:33, 16/09/2018

Lời căn dặn cũng là sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thi hành pháp luật tố tụng hành chính đã giúp cho Tòa án thêm quyết tâm thực hiện tốt hơn Luật Tố tụng hành chính.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, đặc biệt trong hội nghị với lãnh đạo các địa phương để tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý các vấn đề về khiếu nại, tố cáo, nhất là tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người đang có những diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn các cán bộ lãnh đạo của 27 tỉnh, thành: “Chúng ta không coi thường đốm lửa nhỏ, và gió lớn dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng… những cánh rừng của ta dễ bị cháy nếu ta không ngăn đốm lửa nhỏ này… đừng để nước đến chân mới nhảy, đừng để mất bò mới lo làm chuồng”. 

Những con số biết nói

Luật Tố tụng hành chính được sửa đổi và ban hành năm 2015 đã quy định rất rõ những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, quyền hạn, trình tự, thủ tục khởi kiện, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…và đã được nhân dân hưởng ứng và thi hành. Tuy nhiên, khi tiến hành thụ lý các vụ án hành chính, Tòa án các cấp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc ban hành các văn bản không đúng quy định của các cấp có thẩm quyền.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính những năm qua, đã phát hiện cả nước có tới 11.180 quyết định hành chính và hành vi hành chính do các cấp có thẩm quyền ban hành đã bị khiếu kiện lên Tòa án các cấp, trong đó có 983 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định đã ban hành. Trong những vụ việc mà Tòa án đã xét xử có tới hơn 1.300 vụ được xét xử vắng mặt bị đơn là Chủ tịch UBND, gần 1.880 vụ không tổ chức đối thoại được do bị đơn vắng mặt.

Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các đoàn đã chỉ rõ, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND các cấp, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đã không tham gia các phiên tòa xử lý các vụ kiện mà người dân kiện chính các quyết định của UBND các cấp mà họ đã ký ban hành, là một phần nguyên nhân gây nên các vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp không đáng có.

Thi hành Luật Tố tụng hành chính: Đừng coi thường những “đốm lửa nhỏ”

Một phiên tòa hành chính

Vẫn theo số liệu tổng kết các cuộc giám sát của Ủy ban Tư pháp, năm 2017, tỷ lệ không tham gia đối thoại với dân, không tham gia phiên tòa hành chính tăng gấp 3 lần khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính. Nếu năm 2015, năm ban hành Luật chỉ có 12%, thì sang năm 2016 đã tăng lên 23,78 %, đến năm 2017 lên tới 33%. Chỉ riêng TAND TP Hà Nội 3 năm qua đã xét xử 189 vụ kiện, nhưng không vụ nào có lãnh đạo cũng như đại diện hợp pháp của UBND thành phố tham gia. Ở TP Hồ Chí Minh, con số này lên tới 260 vụ, không vụ nào có đại diện của chính quyền, mặc dù họ chính là bị đơn trong các vụ kiện về hành chính.

Đi tìm nguyên nhân

Câu hỏi dặt rà là tại sao các vụ án tố tụng hành chính năm sau cao hơn năm trước. Có phải người lãnh đạo cao nhất trong các cấp chính quyền thờ ơ với nhân dân, hoặc chính họ nắm pháp luật mà không chấp hành pháp luật hay không? Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân chính làm các vụ vi phạm Luật Tố tụng hành chính tăng, làm Tòa án các cấp rất khó phán xử.

Vừa qua Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát lại các văn bản pháp quy do các bộ, ban, ngành, địa phương đã ký ban hành. Qua thẩm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện thấy có hàng ngàn văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và trái pháp luật về nội dung. Đây là một trong các nguyên nhân làm cho  hệ thống Tòa án gặp nhiều khó khăn trong giải quyết khiếu kiện của nhân dân khi kiện về hành chính.

Từ những văn bản ban hành trái luật này làm cho lãnh đạo các địa phương khi có “giấy mời” của các Tòa án đều không tránh khỏi ngại ngần khi đến dự Tòa. Để thoát khỏi tình trạng khó xử đó, họ có hai cách giải quyết. Một là cáo bận, hai là cử cấp phó đi thay. Việc cử cấp phó đi thay là đúng quy định, nhưng có những cấp phó được cử đi lại không đúng chuyên ngành mà vụ kiện đặt ra, hoặc có vị đi đúng thẩm quyền thì lại lấy lý do “chúng tôi đã bàn bạc tập thể, thay đổi quyết định này phải do tập thể UBND”…do đó tốt nhất là họ cáo bận. Có tình trạng này là do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được ủy quyền tham gia tố tụng, lại thu hẹp phạm vi người được ủy quyền nên dẫn đến tình trạng người được ủy quyền không thể tranh tụng được trước Tòa khiến nhân dân thắc mắc, vụ kiện vì thế cứ kéo dài.

Có một tình trạng khá phổ biến xảy ra ở nhiều nơi, khiến việc xét xử các vụ án hành chính gặp khó khăn, đó là khả năng tiếp cận và thu thập thông tin của nhân dân về vấn đề mình định kiện, nhất là các vụ kiện liên quan đến đất đai. Qua việc xem xét hồ sơ các vụ kiện, các Thẩm phán nhận thấy phần lớn những văn bản mà nhân dân mang đến đều là những văn bản photocopy, không phải là văn bản chính thức của Nhà nước. Nguyên nhân là hầu hết các cơ quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… không cung cấp được cho họ những văn bản chính thức đó, dẫn đến khi kiện họ trở thành người yếu thế. Đến khi có bản án, dân lại khiếu kiện mà không đồng ý với quyết định của Tòa và không chấp nhận rằng những văn bản của mình chưa đủ chứng cứ pháp lý.

Những vấn đề cần giải quyết

Hầu hết các vụ kiện hành chính đều có địa chỉ, mà địa chỉ đó chính là những vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND ký ban hành các quyết định chưa đúng pháp luật, nhưng khi Tòa án tiếp cận những cá nhân này lại gặp khó khăn. Họ có nhiều lý do được cho là chính đáng để tránh không gặp. Đây là một kẽ hở trong việc ban hành hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người được ủy quyền và phạm vi người được ủy quyền, cũng như quyền hạn của Thẩm phán.

Để giải quyết được “vấn nạn” người bị kiện là lãnh đạo không tham gia tố tụng, trước hết người lãnh đạo Đảng các cấp, đặc biệt là cơ quan Kiểm tra Đảng cần chỉ đạo hết sức chặt chẽ việc thực hiện lịch tiếp công dân theo định kỳ; giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật của chính những đảng viên được Đảng giao nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền để kịp thời báo cáo Ban Thường vụ theo dõi, chấn chỉnh.

 Thứ hai, lãnh đạo chính quyền các cấp phải trực tiếp kiểm tra, xem xét kỹ các văn bản pháp quy mình sắp ký để ban hành, không để bộ phận tham mưu do thiếu hiểu biết dẫn đễn ban hành những văn bản sơ hở, gây khó khăn cho lãnh đạo chính quyền.

Một vấn đề rất quan trọng mà Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã chỉ rõ là các đoàn giám sát việc thi hành Luật Tố tụng hành chính cần có đánh giá và kiến nghị việc thi hành luật này ở phạm vi vĩ mô hơn. Đó là phải xem xét tính hợp lý của luật, xem cái gì đã hợp lý, cái gì chưa hợp lý; đặc biệt là trách nhiệm cung cấp tài liệu giám sát cho nhân dân của các cơ quan công quyền liên quan đến vụ kiện hành chính; phải xem xét lại trách nhiệm ra tòa của Chủ tịch tỉnh, huyện khi bị kiện và có giấy triệu tập đến tòa. Nếu cái gì hợp lý, phải quyết tâm thực hiện, cái gì dù có nỗ lực trách nhiệm bao nhiêu, thời gian cũng không đủ thì cần đánh giá lại. Có như vậy việc thi hành Luật Tố tụng hành chính mới góp phần ngăn chặn từ đầu các vụ khiếu nại, tố cáo vừa nhen nhóm, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “không coi thường những đốm lửa nhỏ”!.

Thu Trà