Những vấn đề cần lưu ý khi xét xử các vụ án pháp nhân thương mại phạm tội

Tòa án - Ngày đăng : 08:43, 07/08/2018

BLHS năm 2015 có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó có quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Đây là quy định phù hợp với quan điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên trách nhiệm hình sự pháp nhân lại là vấn đề mới trong tố tụng, cần có hướng dẫn cụ thể.

Hoạt động tố tụng thông qua người đại diện

Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm do pháp nhân gây ra thì việc xét xử pháp nhân phạm tội phải tuân thủ đầy đủ các quy định của BLHS năm 2015, trong đó có các vấn đề như: xác định đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng, các biện pháp cưỡng chế,…

BLHS năm 2015 liệt kê 33 tội danh mà chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một trong 33 tội đó mới phải chịu TNHS. Các tội danh này được quy định trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của tội phạm cũng như những kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua, đồng thời phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC), Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971…

Theo quy định của BLHS 2015, điều kiện để pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự bao gồm: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, tức là hành vi của chủ thể hướng tới mục đích nhất định của pháp nhân, bao gồm lợi ích về tài chính, vật chất, kinh tế… Trường hợp tội phạm được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân nhưng không nhằm mang lại một lợi ích cho pháp nhân thì pháp nhân không phải chịu TNHS; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại…

Những vấn đề cần lưu ý khi xét xử các vụ án pháp nhân thương mại phạm tội

Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp

Tương tự, trong BLDS 2015 đã tách riêng quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân và đại diện theo pháp luật của pháp nhân, quy định tại 2 khoản của một điều luật. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại Điều 137 BLDS năm 2015 gồm: “Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án”.

Khoản 2 điều này cũng quy định: Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140, Điều 141 của Bộ luật này. Việc quy định cho phép một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật của BLDS 2015 để đảm bảo phù hợp với quy định của các luật có liên quan.

Theo ông Trần Văn Hùng (TAQS Quân khu 4), mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Khi xét xử tại Tòa án, pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ hoạt động xét xử theo yêu cầu của Tòa án. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khi xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì Tòa án chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Cưỡng chế đối với pháp nhân

Theo quy định tại của BLHS năm 2015 sửa đổi, các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân bao gồm: Kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân, tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn và buộc phải nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án.

Với các Thẩm phán, khi xét xử vụ án pháp nhân bị buộc tội thì những vấn đề cần phải chứng minh những dấu hiệu thuộc chủ thể và mặt khách quan của tội phạm như: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của BLHS. Trong từng vụ án hình sự mà pháp nhân phạm tội cần phải chứng minh hành vi mà pháp nhân đã thực hiện trong thực tế. Phải làm sáng tỏ một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan tất cả các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội, việc xác định  này có ý nghĩa đối với việc định tội danh và giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Tiếp đến là xác định lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân. Tức là cần xác định: Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi; do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội… Chứng minh ai là người thực hiện hành vi phạm tội, tức là xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân hay cá nhân là thành viên của pháp nhân. Nếu có lỗi thì lỗi cố ý hay vô ý.

Xem xét tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra; nguyên nhân và các điều kiện phạm tội. Việc xác minh tính chất và mức độ thiệt hại có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự của pháp nhân và có ý nghĩa đối với việc định tội danh cũng như mức độ bồi thường thiệt hại. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt. Vì đây là những vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt.

Còn về thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân, theo ông Hùng, Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

 Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Phần thứ tư và Phần thứ sáu của BLTTHS. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Nguyên Bình