Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phòng chống tội phạm rửa tiền
Tòa án - Ngày đăng : 09:24, 14/07/2018
Nội dung trên được Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn đối với Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về “Tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
PGS-TS Trần Văn Độ phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Anne Freestone, Tổng lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Rửa tiền là một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và là nhân tố chính thúc đẩy tội phạm có tổ chức và tài trợ cho khủng bố. Tội phạm thường thu được khối tài sản khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn bán ma tuý, buôn người và tham nhũng. Để hưởng lợi từ các hành vi đó, tội phạm cũng thường tìm cách đưa những khoản tiền này vào hệ thống tài chính hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Ngăn ngừa việc lạm dụng các hệ thống tài chính trong nước và quốc tế đóng một vài trò sống còn trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm này.
“Chỉ xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội nguồn sẽ không có đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này khi mà động cơ chính của tội phạm là lợi nhuận. Điều tra hiệu quả, truy tố thành công các trường hợp rửa tiền sẽ đem lại một thông điệp mạnh mẽ rằng mắc tội thì sẽ bị trừng trị”, bà Anne Freestone nhận định.
Ông Chistopher Batt, cố vấn về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, UNODC khu vực Mekong - Đông Nam Á kiêm phụ trách UNODC Việt Nam cho biết, vào năm 2019, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) sẽ thực hiện đánh giá quốc gia về hiệu quả phòng chống rửa tiền ở Việt Nam. Tại kỳ đánh giá này, Việt Nam cần thể hiện các định chế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả ra sao. “Nghị quyết cần phải được hoàn thiện và ban hành càng sớm càng tốt để Việt Nam có thể thực sự áp dụng hiệu quả các quy định của pháp luật hình sự về rửa tiền trước khi kỳ đánh giá diễn ra vào năm sau”. Ông Chistopher Batt nói.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, chỉ cần hành vi phạm tội nguồn thoả mãn hai dấu hiệu bản chất của tội phạm (nguy hiểm đáng kể cho xã hội và hành vi đó được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự); còn người thực hiện hành vi có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự hay không (đủ tuổi chịu TNHS, thực hiện hành vi trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự…) thì không có ý nghĩa. Ví dụ, tiêu thụ một laptop giá trị 20 triệu đồng do người dưới 16 tuổi trộm cắp vẫn cấu thành tội phạm… mặc dù người dưới 16 tuổi trộm cắp đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về quan hệ với tội phạm nguồn, PGS.TS Trần Văn Độ phân tích: Do tài sản do người khác phạm tội thuộc nhiều tội khác nhau, trong đó có tội có định lượng, có tội không có định lượng, cho nên người làm luật không định lượng trong khoản 1 (cơ bản) Điều 323 của BLHS. Tuy nhiên, khi áp dụng trong từng vụ án cụ thể cần xuất phát từ yếu tố định lượng của tội phạm nguồn. Ví dụ: Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác trộm cắp mà có dưới 2 triệu đồng thì không truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 8 của BLHS; ngược lại, tiêu thụ tài sản bất kỳ giá trị nào do người khác cướp mà có thì vẫn cấu thành tội phạm.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ, tình tiết định khung “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” phải đảm bảo hai điều kiện cần và đủ gồm: Phạm tội từ năm lần trở lên, có thể các lần chưa được xét xử hoặc đã được xét xử nhưng chưa được xóa án tích và lấy việc phạm tội làm một trong các nguồn thu nhập thường xuyên.
Đồng thời, nếu đã áp dụng tình tiết này thì không áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” (điểm đ khoản 2) và các tình tiết tăng nặng quy định tại các điểm b, g, h khoản 1 Điều 52 của BLHS nữa. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tuyệt đối của pháp luật hình sự là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không được áp dụng hai lần.
Ngoài ra, theo ông Độ, dự thảo nghị quyết cũng cần tập trung hướng dẫn một số nội dung như: Thế nào là hành vi chứa chấp, tiệu thụ tài sản. Phân biệt hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có với hành vi che giấu tội phạm. Vấn đề chứa chấp, thiêu thụ có hứa hẹn trước và không hứa hẹn trước.