Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Tòa án - Ngày đăng : 10:31, 10/07/2018

Quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Trong trường hợp không cần thiết phải áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Ảnh minh họa

Đối với những vụ án mà Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu để Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.

Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp: có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Liên quan tới thẩm quyền ra quyết định tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, tại Khoản 1 Điều 225 quy định “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”.

Trong một vụ án, điều tra viên thụ lý là người trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra, đưa ra phương hướng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội. Đối với các vụ án thuộc nhóm tội phạm có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Điều 224 BLTTHS 2015 thì điều tra viên là người trực tiếp đưa ra nhận định, đánh giá, đề xuất, tham mưu cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, biện pháp điều tra đặc biệt nào phù hợp, hiệu quả nhất, đối tượng, thời gian áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời, những thông tin, tài liệu thu thập được do Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là rất rộng, chỉ những thông tin, tài liệu cần thiết cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mới được sử dụng còn những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Như vậy, đòi hỏi điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là người tường tận những vấn đề cần chứng minh trong vụ án phải phối hợp Cơ quan chuyên trách trực tiếp kiểm tra, đánh giá thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mới mang lại kết quả cao nhất.

Bên cạnh đó, kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án với vai trò là người thực hành quyền công tố, kiểm sát sẽ đánh giá tính chất vụ án, từ đó có căn cứ đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát có đưa ra yêu cầu áp dụng, phê chuẩn, hủy bỏ quyết định tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, Chương XVI, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nhưng chưa đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ án áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong nhiều trường hợp cần được tiến hành nhanh chóng nhằm thực hiện các yêu cầu cấp bách trong điều tra vụ án hình sự như: phát hiện đối tượng gây án, truy nguyên tài sản bị chiếm đoạt, truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội, phát hiện đồng bọn đang lẩn trốn… Những tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm cơ sở để Cơ quan Điều tra tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chặt chẽ trước khi thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thi hành khi được sự phê chuẩn của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đòi hỏi phải chặt chẽ và tiến hành cấp bách, tuy nhiên trong Bộ luật lại chưa quy định trong khoảng thời gian bao lâu thì quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt của thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn để thi hành.

Biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt có thể thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến một vụ án khác hay thông tin có dấu hiệu của tội phạm khác mà không liên quan tới vụ án đang được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Nếu như theo quy định, thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Do vậy, nếu phải tiêu hủy mà không được sử dụng có thể bỏ lọt tội phạm, lãng phí thông tin rất lớn.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định thêm về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của Điều tra viên thụ lý vụ án hình sự, kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát vụ án hình sự trong việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Quy định cụ thể về thời gian phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan Điều tra ra quyết định. Trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra cấp quân khu trở lên ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, để đảm bảo tính khẩn trương, cấp thiết trong thi hành quyết định có cần phải phê chuẩn nữa không hay có hiệu lực thi hành ngay sau khi ra quyết định.

Mặt khác, cần có quy định mở trong việc sử dụng thông tin, tài liệu liên quan tới vụ án khác, có dấu hiệu tội phạm khác được thu thập trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Phương Nam