Ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp
Tòa án - Ngày đăng : 00:48, 23/06/2018
Tham dự buổi Lễ ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh TANDTC; đại diện lãnh đạo Ban cải cách tư pháp Trung ương; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam và UNICEF tại Việt Nam...
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi lễ
Theo quy định tại Điều 30, 38, 45 của Luật Tổ chức TAND thì trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Việc tổ chức Tòa Gia đình và Người chưa thành niên ở TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi Tòa án; căn cứ vào biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng Tòa án và do Chánh án TANDTC xem xét, quyết định.
Để việc tổ chức các Toà chuyên trách nói chung, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên nói riêng được thực hiện thống nhất trong cả nước, ngày 21/1/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; trong đó, quy định cụ thể về thẩm quyền và quy trình tổ chức Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Chánh án TANDTC cũng có ý kiến chỉ đạo Tòa án các cấp về công tác nhân sự, yêu cầu về cơ sở vật chất, chuyên môn, về sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục ở trung ương và địa phương trong việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình trao quyết định thành lập Tòa gia đình và Người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, nên việc bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, về bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong thời gian qua, hệ thống TAND đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức lại hệ thống các Tòa chuyên trách. Đây là giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tòa án nói chung, công tác xét xử, giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nói riêng.
Phát biểu của Ông Youssouf Adel- Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
Đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, thực tiễn công tác xét xử cho thấy đây là loại việc có tính đặc thù, xuất phát từ quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình. Khi giải quyết loại việc này, bên cạnh yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, còn cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc; trong đó yếu tố pháp lý và yếu tố tình cảm đan xen vào nhau giữa các bên trước, trong và cả sau quá trình giải quyết. Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên trong gia đình, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến định hướng phát triển của trẻ em là thành viên trong gia đình. Do đó, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách; đồng thời, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội.
Là địa phương còn khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng thời gian qua, TAND tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cải cách trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là tư pháp người chưa thành niên. Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, nhân dân và sự tham gia hỗ trợ, hợp tác tích cực và hiệu quả của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, hệ thống cơ quan tư pháp tại Đồng Tháp đang từng bước được tổ chức, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Để phù hợp với yêu cầu phát triển chung, thực hiện Luật Tổ chức TAND và các đạo luật về tố tụng tư pháp, ngày 28/8/2017, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 1425/QĐ-TCCB thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại tỉnh Đồng Tháp. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND mà là thiết chế tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại TAND.
Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp trao quyết định bổ nhiệm các chức danh Tòa gia đình và Người chưa thành niên
Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã trao Quyết định số 1425/QĐ-TCCB thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại tỉnh Đồng Tháp cho tập thể lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời các chức danh Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND tỉnh Đồng Tháp cũng được công bố và kiện toàn để bắt tay vào hoạt động ngay sau khi công bố. Chánh án TANDTC đánh giá cao sự nỗ lực của TAND tỉnh Đồng Tháp, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, ban ngành trong việc xúc tiến thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình tin tưởng rằng các Thẩm phán, Thư ký thực hiện công tác xét xử các vụ án liên quan đến gia đình và người chưa thành niên sẽ hoạt động hiệu quả theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Tại buổi lễ, ông Youssouf Adel- Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Việt Nam về quyền con người, quyền của trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chứng minh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, của lãnh đạo TANDTC và các cơ quan liên quan đối với trẻ em. Tòa chuyên trách này là đỉnh cao của hệ thống tư pháp Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em; bởi lẽ dù tham gia ở vị trí nào trong phiên tòa cũng đều được bảo vệ. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên và việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với trẻ em cùng sự đào tạo cơ bản của các Thẩm phán, Thư ký sẽ là cơ chế hữu hiệu để bảo vệ trẻ em. Ông Youssouf Adel- Jelil chúc mừng Việt Nam đã lồng ghép giữa các quyền trẻ em và chính sách bảo vệ trẻ em một cách chặt chẽ. Ông hy vọng TAND tỉnh Đồng Tháp sẽ duy trì hoạt động của Tòa chuyên trách này có hiệu quả, làm mô hình cho các địa phương khác học tập.
Chánh án TANDTC và các đại biểu thăm phòng xử án người chưa thành niên
Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp khẳng định việc ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam. Vì vậy, tập thể Ban cán sự đảng TAND tỉnh Đồng Tháp quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng một cách đúng quy định của pháp luật.
Nhân dịp này, thay mặt Ban cán sự, lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án Lê Hồng Quang ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện cho trẻ em ở Việt Nam nói riêng; cảm ơn các cơ quan, tổ chức ở Trung ương cũng như địa phương đã giúp đỡ để thành lập Tòa gia đình và Người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp. Việc thành lập Tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên đã chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.