Tọa đàm về pháp luật và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ

Tòa án - Ngày đăng : 19:37, 12/06/2018

Chiều 11/6, tại trụ sở TANDTC đã diễn ra buổi tọa đàm về pháp luật và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ, giữa Thẩm phán Arun Misha với các Thẩm phán TANDTC và các cán bộ có liên quan.

Để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài nhằm hoàn thiện mô hình hòa giải bên cạnh Tòa án, theo đề nghị và thư mời của TANDTC, TANDTC đã tổ chức buổi tọa đàm trao đổi giữa Thẩm phán Arun Misha với các Thẩm phán TANDTC và các cán bộ có liên quan thuộc Ban chỉ đạo và tổ giúp việc của Đề án thí điểm về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời giúp TANDTC có thêm kinh nghiệm phục vụ xây dựng đề án đổi mới về công tác hòa giải và đối thoại để trình ra Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung Ương.

Đến dự và chủ trì có Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC, cùng các Thẩm phán của TANDTC. Về phía Ấn Độ có Thẩm phán Arun Misha.

Tọa đàm về pháp luật và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại buổi Tọa đàm

Thông tin tại tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, kết quả sơ kết hoạt động thí điểm tại Hải Phòng trong thời gian từ tháng 3/2018 đến nay đã cho thấy tín hiệu tích cực và hiệu quả của mô hình hòa giải bên cạnh Tòa án. Tỷ lệ hào giải thành đạt được tại Hải Phòng theo báo cáo là 67,4%, cao hơn mức hòa giải thành trung bình của toàn quốc là 51%. Đó là kết quả có được từ việc thử nghiệm vận dụng cách tiếp cận của Hoa kỳ hết hợp với việc đào tạo thêm về kỹ năng hòa giải. 

Tại cuộc trao đổi lần này, Ban chỉ đạo và tổ giúp việc của Đề án thí điểm về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ trao đổi thêm với Thẩm phán Arun Misha về khuôn khổ pháp lý và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ để tìm hiểu thêm thông tin và những vấn đề mà có thể vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam nhằm từng bước hoàn thiện mô hình hòa giải.

Tọa đàm về pháp luật và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ

Thẩm phán Arun Misha trao đổi kinh nghiệm tại buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, Thẩm phán Arun Kumar Mishra đã trao đổi, chia sẻ về mô hình hòa giải, Luật hòa giải của Ấn Độ và các biện pháp tạo lập cơ chế hòa giải ở Ấn Độ (xây dựng thể chế pháp luật, tạo dựng nguồn nhân lực và một số vấn đề thực tiễn). Trong đó, Thẩm phán Arun Kumar Mishra đặc biệt đi sâu vào các biện pháp tạo lập cơ chế hòa giải ở Ấn Độ.

Theo đó, từ năm 2005, Ấn Độ đã triển khai dự án về hòa giải, thành lập các trung tâm hòa giải bên cạnh Tòa án, cụ thể hiện tại, Ấn Độ có 577 trung tâm hòa giải đang hoạt động và 85 trung tâm đang trong quá trình thành lập. Ấn Độ có cơ chế giải quyết tranh chấp lựa chọn ADI nhằm đảm bảo giải quyết các tranh chấp kéo dài, trên cơ sở tự nguyện của các bên, thủ tục đơn giản, limh động, giảm chi phí, duy trì mối quan hệ giữa các bên. Các Tòa án cấp cao ở Ấn Độ đều có Bộ quy tắc về hòa giải nhưng phải phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự….

Về thể chế pháp luật trong công tác hòa giải của Ấn Độ được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ quy tắc về hòa giải. Trong công tác tạo dựng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ hòa giải viên, Ấn Độ chú trọng tới việc đào tạo các kỹ năng cho hòa giải viên, như giao tiếp, lắng nghe, gợi mở, đàm phán, định hướng cho các bên, kiểm soát tình hình; kỹ năng giữ bí mật, giữ vai trò trung lập… Các hòa giải viên được đào tạo căn bản, cấp chứng chỉ và định kỳ có các khóa sát hạch, kiểm tra để bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hòa giải.

Bên cạnh đó, Thẩm phán Arun Kumar Mishra cũng đã chia sẻ về quy trình hòa giải; thời hạn tiến hành hòa giải (là 30 ngày nhưng các bên có thể gia hạn 1, 2, 3… tháng, phù thuộc vào yêu cầu, tính chất của vụ việc); những vụ việc được hòa giải (được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, theo đó các vụ việc được tiến hành hòa giải, khi hòa giải thành thì Tòa án sẽ công bố lệnh hay một phán quyết về kết quả hòa giải đó, còn nếu hòa giải không thành thì sẽ đưa ra tòa để xét xử); quy trình, nguyên tắc thành lập, phương thức hoạt động và mối quan hệ của các trung tâm hòa giải bên cạnh Tòa án (các trung tâm hòa giải được thành lập do Tòa án đầu tư về cơ sở vật chất, lương của các hòa giải viên do Chính phủ chi trả, các trung tâm hoạt động hoàn toàn độc lập với Tòa án…); về vận dụng kỹ năng thương lượng, đối thoại trong công tác hòa giải (được áp dụng xen kẽ, đồng thời để giúp các hòa giải viên giải quyết vấn đề một cách linh hoạt); về quyền miễn trừ của hòa giải viên (các hòa giải viên được miễn trừ trách nhiệm có liên quan, tuy nhiên phải trên cơ sở thực hiện công việc một cách trung thực, dựa trên niềm tin nghề nghiệp và trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ nghề nghiệp); về quy định mẫu về nguyên tắc hoạt động của các trung tâm hòa giải bên cạnh Tòa án; có hay không việc Luật sư là nguồn của hòa giải viên (ở Ấn Độ Luật sư cũng là nguồn của hòa giải viên),…

Những vấn đề trên cũng là những nội dung mà Tòa án Việt Nam quan tâm và đã được các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính đặt ra tại buổi Tọa đàm.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều Thẩm phán TANDTC và các cán bộ có liên quan thuộc Ban chỉ đạo và tổ giúp việc của Đề án thí điểm về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã có nhiều câu hỏi dành cho Thẩm phán Arun Misha nhằm học hỏi và hiểu rõ hơn về phương pháp triển khai cũng như kinh nghiệm.

Tọa đàm về pháp luật và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ

Đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC, trao đổi ý kiến tại buổi Tọa đàm

Thay mặt lãnh đạo TADNTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cùng các thành viên tại buổi tọa đàm bày tỏ trân trọng cảm ơn Thẩm phán Arun Misha đã chia sẻ những điều thiết thực, điều quý báu của ông trong quá trình xây dựng phát triển và chế định về hòa giải tại tòa án ở Việt Nam.

Qua phần trình bày về ngài Thẩm phán Arun Misha các thành viên hiểu được lịch sử phát triển hòa giải ở Ấn Độ. Đặc biệt là sự thấu hiểu vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hòa giải trong quá trình giải quyết các tranh chấp. Cùng với đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cũng rất ấn tượng việc hoàn thiện pháp luật về hòa giải ở Ân Độ trong những năm vừa qua. 

Qua đó, trong quá trình tiến hành hòa giải vấn đề xây dụng và phát triển đội ngũ hòa giải viên có một ý nghĩa quyết định, do đó mà cần tập trung để đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng có được một hòa giải viên giỏi. Một vấn đề mà Phó Chánh án TANDTC, Nguyễn Thúy Hiền rất quan tâm đó là vấn đề tổ chức hòa giải, theo đó, Thẩm phán Arun Misha đã đưa ra giới thiệu các mô hình trung tâm hòa giải với số lượng rất nhiều ở Ấn Độ (577 trung tâm hòa giải), trong khi ở Việt Nam mới đang thí điểm có 10 trung tâm ở Hải Phòng. Tuy bước đầu đã có nhiều thành công, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Tọa đàm về pháp luật và thực tiễn hòa giải tại Ấn Độ

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Thẩm phán Arun Misha cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, kiên nhẫn, chú ý lắng nghe trong quá trình trao đổi và thông qua các câu hỏi. Thẩm phán Arun Misha đánh giá cao tình thần muốn tìm hiểu kinh nghiệm cũng như thông tin của các thành viên. Theo ông, không có một cá nhân hay hệ thống nào được coi là hoàn hảo, quan trọng hơn cả là chúng ta biết đặt mục tiêu và mong muốn hướng tới mục tiêu đó, đó chính là sự hoàn hảo và là điều đáng ghi nhận.

Thẩm phán Arun Misha rất ấn tượng trước những thành quả và kết quả ban đầu mà hệ thống Toà án Việt Nam đạt được trong tiến trình cải cách, cũng như áp dụng thí điểm mô hình hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự và đối thoại, đồng thời ông luôn sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với TANDTC.

Mai Đỉnh