Điều kiện để pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự
Tòa án - Ngày đăng : 06:40, 10/05/2018
Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung 1 Chương XI quy định về TNHS của pháp nhân gồm 16 Điều (từ Điều 74 đến Điều 89) và trong một số điều khoản cụ thể khác của Bộ luật (các Điều 2, 3, 8, 33, 46).
Nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội được xác định như sau: Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; (Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015)
Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp
Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở chịu TNHS quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều 74 BLDS năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều 75 BLDS năm 2015 cũng quy định về pháp nhân thương mại, theo đó pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Như vậy, chỉ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận mới có thể là chủ thể của tội phạm.
Theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Việc thực hiện hành vi phạm tội này do các cá nhân trong pháp nhân thương mại thực hiện, nhân danh pháp nhân đó và mục đích là thu được lợi ích kinh tế, vật chất cho pháp nhân đó. Trong các quan hệ chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ nhân danh pháp nhân thương mại, sử dụng danh nghĩa, nguồn vốn, con dấu của pháp nhân và lợi ích thu được cũng thuộc về pháp nhân.
Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Tương tự như điều kiện trên, hành vi phạm tội của các chủ thể vi phạm phải hướng tới một mục đích nhất định của pháp nhân như lợi ích về kinh tế, tài chính,…Vì vậy, người đứng đầu pháp nhân (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân) hoặc những người được cấp lãnh đạo của pháp nhân trực tiếp ủy quyền trực tiếp thực hiện tội phạm nhằm tối đa hóa lợi ích cho pháp nhân như trốn thuế, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước…thì pháp nhân phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật.
Quy định này cũng không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân lại không bị truy cứu TNHS. Điều này có nghĩa là, đồng thời với việc pháp nhân bị truy cứu TNHS về một tội phạm cụ thể thì những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân cũng phải trịu TNHS. Điều này không trái với nguyên tắc “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” theo Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vì trong trường hợp này, pháp nhân với những đặc điểm của mình đã trở thành một thực thể pháp lý có những quyền, nghĩa vụ độc lập với những cá nhân tham gia với tư cách là thành viên. Như vậy, pháp nhân và cá nhân khi thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm) và bị kết án thì sẽ được hiểu là hai chủ thể khác nhau.
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Xuất phát từ việc hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân mà những hành vi phạm tội của pháp nhân chủ yếu do chính các quyết định, các kế hoạch, điều hành, quản lý của pháp nhân mà đứng đầu là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Yếu tố quản lý, điều hành mang tính quyết định và nếu không có những chỉ thị, quyết định này thì hành vi vi phạm có thể sẽ không được thực hiện.
Thứ tư, hành vi vi phạm chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS. Theo đó, thời hiệu truy cứu TNHS được quy định cụ thể tại Điều 27 BLHS năm 2015 như sau: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.