Tập huấn trực tuyến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Tòa án - Ngày đăng : 15:11, 23/04/2018
Hội nghị trực tuyến kết nối điểm cầu trung tâm tại TANDTC với 777 điểm trên toàn quốc gồm các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và TAQS các cấp.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TANDTC.
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, ngày 18/6/2009, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật TNBTCNN, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010. Đây là lần đầu tiên trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định trong một đạo luật. Luật TNBTCNN năm 2009 đã thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định của Nhà nước.
Sau hơn 6 năm thi hành, Luật TNBTCNN năm 2009 đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung.
Tuy nhiên, trước sự đòi hỏi ngày càng cao trong việc bảo vệ quyền con người và sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính đã làm cho Luật TNBTCNN năm 2009 bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đối với các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Luật TNBTCNN năm 2017 đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong muốn các cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án tham dự hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm bắt những quy định Luật TNBTCNN năm 2017 để bảo đảm thực hiện đúng khi luật có hiệu lực thi hành.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị tại điểm cầu TANDTC
Sau phần khai mạc, các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu đã nghe Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào giới thiệu những điểm mới của Luật TNBTCNN năm 2017.
Theo đó, Luật TNBTCNN năm 2017 có 9 Chương với 78 Điều quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Luật quy định những thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.
So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN (sửa đổi) có những điểm mới, trong đó ngoài người bị thiệt hại, Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung các chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường gồm: Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS. Những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền là cá nhân, pháp nhân được những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Luật TNBTCNN năm 2017 cũng sửa đổi toàn diện quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường sau: Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 2 năm lên 3 năm để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 588 BLDS năm 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường.
Bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường…
Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm quy định rõ các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật tương ứng với các cơ chế giải quyết bồi thường đã được quy định tại Điều 4 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước.
Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào quán triệt một số nội dung chính của Luật TNBTCNN năm 2017
Ngoài ra, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định cơ quan giải quyết bồi thường tại Chương III (từ Điều 33 đến Điều 40), theo đó, đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các Điều 14, 29, 30, 31, 32, 33 và 40 của Luật TNBTCNN năm 2009 theo hướng: Quy định về cơ quan giải quyết bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, TTDS, TTHC, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.
Luật quy định rõ hơn các trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật năm 2009 cũng như các quy định còn phù hợp về cơ quan giải quyết bồi thường tại Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…
Về phục hồi danh dự, Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi toàn diện quy định về khôi phục danh dự tại Điều 51 Luật TNBTCNN năm 2009. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức phục hồi danh dự; quy định rõ các hình thức phục hồi danh dự tương ứng với từng đối tượng được bồi thường.
Đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, các hình thức phục hồi danh dự bao gồm: Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai, đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Đối với người bị thiệt hại là cá nhân trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được phục hồi danh dự bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Đặc biệt, so với quy định tại Điều 51 Luật TNBTCNN năm 2009 thì Điều 59 Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung hình thức đăng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (nếu có) và việc niêm yết công khai tờ báo đăng xin lỗi, cải chính công khai tại trụ sở UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TANDTC
Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước cũng là nội dung được sửa đổi căn bản trong Luật TNBTCNN năm 2017. Theo đó, quy định thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Cơ quan thống nhất quản lý nhà nước là Chính phủ; Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.
Kết thúc Hội nghị trực tuyến, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào yêu cầu các cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án phải chủ động, nghiên cứu, nắm vững các quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 để luật được hiểu và áp dụng thống nhất trong cả nước.