Xác định phạm vi hòa giải và những vụ án không được hòa giải
Tòa án - Ngày đăng : 19:46, 04/04/2018
Để việc hòa giải trong thực tiễn thực sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đặt ra thì việc nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, đặc biệt trong giai đoạn BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung mới là điều rất quan trọng.
Một phiên hòa giải tại tòa án
Xác định thời điểm mở phiên hòa giải
Mở phiên hòa giải là trách nhiệm của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm giúp đương sự có thể thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết quan hệ tranh chấp. Theo quy định của BLTTDS 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm tổ chức phiên hòa giải theo quy định trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn; vụ án không được tiến hành hòa giải (Điều 206 BLTTDS) và những vụ án không tiến hành hòa giải được (Điều 207 BLTTDS). Pháp luật tố tụng không quy định thời điểm mở phiên hòa giải cụ thể là bao nhiêu ngày kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp khi xét thấy việc xây dựng hồ sơ, thu thập chứng cứ đã đầy đủ, các tình tiết của vụ án đã được làm rõ; Thẩm phán sẽ linh hoạt ấn định thời điểm mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử sao cho phù hợp.
Trường hợp vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thì Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 6 tháng và chậm nhất là 8 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 1 tháng (Điều 476 BLTTDS 2015). Liên hệ các quy định về thời hạn giải quyết vụ án trong luật tố tụng hành chính, thời hạn giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung thì đây là một điểm nhấn, một bước cải tiến đột phá trong tư duy lập pháp, bởi thông thường để tránh tình trạng thiếu trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, các nhà làm luật phải quy định thời hạn tối đa của mỗi một quá trình. Do đặc thù của các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài về vấn đề ủy thác tư pháp tống đạt các giấy tờ, tài liệu, quyết định của Tòa án ra nước ngoài nên BLTTDS 2015 đã quy định thời hạn mở phiên họp hòa giải trong khoảng sớm nhất là 6 tháng, chậm nhất là 8 tháng; thời hạn mở phiên tòa sớm nhất là 9 tháng, chậm nhất là 12 tháng.
Bên cạnh quy định bắt buộc phải mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử; pháp luật tố tụng cũng quy định việc hòa giải có thể được thực hiện tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thể hiện bằng việc chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thể thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Tùy mỗi giai đoạn, việc hòa giải, thỏa thuận giữa các đương sự được ghi nhận dưới hình thức và giá trị pháp lý khác nhau…
Nguyên tắc tiến hành hòa giải
Theo quy định tại Điều 205 BLTTDS 2015 thì việc hòa giải phải được tiến hành theo các nguyên tắc: “Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình”.
Nguyên tắc này xuất phát từ đặc trưng của tố tụng dân sự là “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” (Điều 5 BLTTDS). Theo đó, pháp luật thừa nhận và đảm bảo cho các chủ thể tham gia quan hệ tố tụng dân sự được toàn quyền thể hiện ý chí, lựa chọn, quyết định thực hiện hay không thực hiện hành vi tố tụng nhất định. Vụ án dân sự chỉ được phát sinh dựa trên yêu cầu khởi kiện của chủ thể khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, Tòa án không can thiệp, giải quyết các quan hệ dân sự khi không có đơn khởi kiện. Quá trình giải quyết vụ án trong mọi giai đoạn tố tụng, đương sự có toàn quyền thể hiện ý chí của mình bằng việc yêu cầu, thỏa thuận với nhau về đường lối giải quyết tranh chấp. Tòa án phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự và việc thể hiện ý chí này chỉ được Tòa án chấp nhận trong trường hợp hoàn toàn tự nguyện không bị đe dọa hay ép buộc.
Với nguyên tắc: “Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”, là nội dung thỏa thuận của các đương sự chỉ được Tòa án chấp nhận khi không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định; đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Mọi thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội đều không được Tòa án công nhận.
Cần xác định những vụ án không được hòa giải
Khi đề cập đến phạm vi hòa giải, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến “ Những vụ án dân sự không được hòa giải và những vụ án không tiến hành hòa giải được” trong tố tụng dân sự. Đó là: Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Vụ án yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước chỉ có thể được giải quyết bằng phán quyết của Tòa án thông qua phiên tòa xét xử. Pháp luật không thừa nhận thỏa thuận của các bên vì tính chất của loại tài sản này thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên một cá nhân không thể theo ý chí chủ quan của mình để thỏa thuận việc bồi thường. Quy định này nhằm phòng ngừa trường hợp lợi dụng việc hòa giải để thỏa thuận, thương lượng gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước. Khi áp dụng điều luật này, cần lưu ý trường hợp tài sản của Nhà nước nhưng được Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó thì trường hợp này không thuộc trường hợpkhông được hòa giải theo quy định tại khoản 1 Điều 206 BLTTDS 2015.
Còn những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội là những vụ án đương nhiên bị vô hiệu. Về mặt bản chất thì giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Do vậy, khi giải quyết các vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Tòa án không tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của họ trong giao dịch này. Bởi nếu tiến hành hòa giải là đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để các bên tiếp tục thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, trong vụ án mà các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì Tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải theo thủ tục chung.
Đối với những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được. Thực tiễn áp dụng trường hợp trên gặp nhiều khó khăn, việc áp dụng không thống nhất bởi trong chính nội dung điều luật đã ẩn chứa những quy định mang tính định tính, được hiểu theo nhiều cách khác nhau và không có sự thống nhất giữa các điều luật quy định cùng nội dung...
(Còn nữa)