Thủ tục tố tụng cạnh tranh trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Tòa án - Ngày đăng : 18:32, 14/03/2018
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Về chứng cứ trong tố tụng cạnh tranh tại dự thảo Luật đã có bổ sung thêm nội dung xác định chứng cứ gồm 6 điểm tại khoản 3 để giải thích rõ những chứng cứ như “tài liệu đọc được”, “Tài liệu nghe được”, “thông điệp dữ liệu điện tử” là gì. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nên sự thuận lợi, minh bạch cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh khi đánh giá, xem xét giải quyết vụ việc cạnh tranh, đồng thời cũng giúp cho bên khiếu nại hay bên bị khiếu nại thuận lợi hơn trong việc xuất trình các tài liệu, đồ vật,… được xác định là chứng cứ để chứng minh cho hành vi của mình.
Một sự sửa đổi, bổ sung nữa của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là việc thay thế thuật ngữ “luật sư” trong Luật Cạnh tranh năm 2004 (khoản 3 Điều 64) bằng thuật ngữ “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị điều tra”. Theo Luật Cạnh tranh năm 2004 thì chỉ có luật sư – những người hành nghề luật thỏa mãn quy định về luật sư (theo Luật Luật sư) mới có quyền tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích cho bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra, nhưng nay với sự sửa đổi này, dự thảo luật đã mở rộng đối tượng có quyền tham gia tố tụng cạnh tranh để bảo về quyền, lợi ích hợp pháp cho người khiếu nại, bên bị điều tra. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị điều tra có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều bên trong cùng một vụ việc, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những bên đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một bên trong vụ việc.
Về cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tiến hành tố tụng cạnh tranh, đây là sửa đổi lớn nhất về tố tụng cạnh tranh. Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã sửa đổi mô hình cơ quan cạnh tranh quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với chức năng của các cơ quan này, cụ thể là khoản 1 Điều 66 dự thảo luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh gồm “Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” và “Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh”. Điều này giúp khắc phục được những hạn chế của Luật Cạnh tranh năm 2004. Vì theo Luật Cạnh tranh năm 2004 thì Cục Quản lý cạnh tranh với tư cách là đơn vị thuộc Bộ Công thương vừa có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành chính sách pháp luật về cạnh tranh thuộc thẩm quyền lại vừa có tính chất của cơ quan tài phán- giải quyết các vụ việc cạnh tranh. Điều này dẫn đến việc khó có thể bảo đảm tính độc lập, khách quan của Cục Quản lý cạnh tranh khi giải quyết các vụ việc cạnh tranh. Trong khi đó, yêu cầu đầu tiền của một cơ quan làm nhiệm vụ tài phán là phải độc lập, khách quan và không chịu sự can thiệp từ bên ngoài.
Theo nội dung Điều 67 dự thảo luật nêu trên thì Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh là một cơ quan hoạt động không thường xuyên (được thành lập để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể), chấm dứt hoạt động và tự động giải thể khi khi hoàn thành nhiệm vụ; còn Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh (Điều 68) là tổ chức thuộc Cơ quan cạnh tranh quốc gia có chức năng phát hiện, điều tra các hành vi vi phạm của Luật này (các hành vi này được liệt kê cụ thể tại Điều 46 của dự thảo Luật).
Khoản 2 Điều 67 dự thảo luật quy định về thành phần Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh gồm 3 thành viên trở lên, do Thủ trưởng Cơ quan cạnh tranh Quốc gia quyết định lựa chọn trong số những người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh, trong đó có 1 thành viên được phân công là Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Điều 68 dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định về Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Bên cạnh việc quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, tại điểm e khoản 2 Điều 68 dự thảo Luật có quy định “Các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan cạnh tranh Quốc gia”.
Và tại khoản 1, khoản 3 Điều 72 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh như sau: “Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh chịu trách nhiệm về hoạt động điều tra và kết quả điều tra của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.
Kết thúc quá trình điều tra, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh; chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Thủ trưởng Cơ quan cạnh tranh Quốc gia quyết định tổ chức xử lý theo quy định của Luật này.”
Có thể thấy, quan hệ giữa Thủ trưởng Cơ quan cạnh tranh quốc gia với Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh là quan hệ cấp trên cấp dưới trực tiếp trong tố tụng cạnh tranh. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa quy định cụ thể về các tiêu chuẩn, điều kiện của thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh liệu có buộc phải bảo đảm điều kiện là điều tra viên không. Yêu cầu về kinh nghiệm trong giải quyết vụ việc cạnh tranh hoặc yêu cầu về kiến thức pháp lý cần có để được bổ nhiệm như thế nào?
Trong Điều 73 dự thảo Luật Cạnh tranh khi quy định về Điều tra viên vụ việc cạnh tranh. Đây là quy định được tích hợp từ khoản 2 Điều 51, Điều 77 và Điều 78 Luật Cạnh tranh 2004, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung phù hợp. Theo đó, Điều 73 dự thảo Luật Cạnh tranh quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Cạnh tranh không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm điều tra viên vụ việc cạnh tranh. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng cần thiết phải có quy định về nội dung này trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).