Hội nghị sơ kết công tác phối hợp TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng
Tòa án - Ngày đăng : 17:02, 29/01/2018
Hội nghị là dịp để các đồng chí Lãnh đạo, các Thẩm phán và các cán bộ nghiệp vụ trao đổi những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác xét xử; đồng thời đóng góp những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Tiến – Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng và đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo hai đơn vị, Thẩm phán cao cấp, Kiểm sát viên cao cấp, đại diện lãnh đạo TAND và VKSND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên…
Chánh án TAND cấp cao Nguyễn Anh Tiến và Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng chủ trì Hội nghị
Báo cáo trình bày tại hội nghị, nêu rõ: Thực hiện Quy chế số 01/2017/QCPH-VKSCC-TACC ngày 10/4/2017 về việc phối hợp giữa hai đơn vị, TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã tăng cường được trách nhiệm, lãnh đạo tổ chức thực hiện và phối hợp; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo giữa hai cơ quan để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác. Công tác phối hợp được thực hiện đúng theo nguyên tắc, mục đích, phương thức và nội dung quan hệ phối hợp; bảo đảm sự chủ động, linh hoạt giữa các đơn vị trực thuộc cũng như giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán.
Trong năm qua công tác phối hợp giữa hai đơn vị trong việc chuyển giao hồ sơ đảm bảo nhanh chóng, không có thất lạc bút lục. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc lên lịch xét xử, phân công người tiến hành tố tụng và gởi các văn bản tố tụng. Hai đơn vị cũng đã phối hợp trong điều tra, xác minh bổ sung, chuyển giao chứng cứ tài liệu… đã thực hiện đúng theo quy định tại quy chế, các tài liệu bổ sung ở giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đã được các đơn vị hai bên thực hiện sao lưu và chuyển đến cho nhau hoặc thông báo để nắm kết quả. Thường xuyên báo cáo cho nhau về kết quả giải quyết, cung cấp thông tin, bảo đảm chủ động trong việc đề nghị chuyển hồ sơ vụ án để giải quyết tại từng cơ quan.
Việc giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, phiên tòa rút kinh nghiệm được phối hợp tốt; trong quá trình xét xử các vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, Thẩm phán và Kiểm sát viên đã có sự phối hợp, trao đổi đánh giá chứng cứ và quan điểm vụ án đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, các phiên tòa đảm bảo tốt về mặt an ninh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ của từng cơ quan.
Các đại biểu tham gia thảo luận trao đổi nghiệp vụ
Tại Hội nghị, lãnh đạo TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã thông qua Báo cáo về việc trao đổi nghiệp vụ giữa hai đơn vị. Theo đó, trong thời gian qua (từ 01/10/2016 đến 30/9/2017) TAND cấp cao đã thụ lý 628 vụ, đưa ra xét xử 568 vụ. Tổng số vụ án sơ thẩm bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử hủy là 87 vụ, tỷ lệ 13,8%, trong đó án hình sự là 20 vụ; án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động là 67 vụ. Tổng số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động là 176 vụ. Trong đó, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị 123 vụ/ 1.153 vụ thụ lý, tỷ lệ 10,67%; Viên trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị 53 vụ/ 510 vụ thụ lý, tỷ lệ 10,39%.
Về án hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình tổng số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 77 vụ. Trong đó, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị 45 vụ/ 589 vụ, tỷ lệ 7,61%; Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị 29 vụ/ 193 vụ, tỷ lệ 15,02%; Chánh án TANDTC kháng nghị 3 vụ. Ngoài ra, TAND cấp cao và VKSND cấp cao cũng nhận được 67 kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND các tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số III; các cơ quan thi hành án dân sự tại 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên…
Nhìn chung với những kết quả đạt được, trong thời gian qua TAND các cấp đã có những mặt tích cực trong việc đánh giá chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, cập nhật văn bản pháp luật tương đối chính xác, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng khi xét xử, chất lượng án được nâng cao, áp dụng pháp luật cơ bản đúng, xác định đúng quan hệ tranh chấp, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội… Đối với TAND cấp cao và VKSND cấp cao về cơ bản các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; các bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được ban hành đều có căn cứ, đúng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giữa TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng về các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung, gửi bản án, các văn bản tố tụng, kỹ năng thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa của đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên…