Tinh thần cải cách tư pháp đã được áp dụng trong phiên tòa hình sự
Tòa án - Ngày đăng : 21:13, 22/01/2018
Bởi lẽ, đây là phiên tòa hình sự đầu tiên của TAND TP. Hà Nội áp dụng một số quy định mới theo tinh thần cải cách tư pháp.
Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng
Phiên tòa cải cách tư pháp
Phiên tòa được bố trí, sắp xếp theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TANDTC. Theo đó, vành móng ngựa bị cáo đã không còn mà thay vào đó là “bục khai báo” để bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa của mình hoặc trả lời câu hỏi của những người tham gia tố tụng. Đồng thời, Kiểm sát viên và Luật sư ngồi đối diện, ngang hàng với nhau, Hội đồng xét xử ngồi ở vị trí trung tâm.
Không phải đứng vào vành móng ngựa, bị cáo cảm nhận được quyền con người, quyền công dân vẫn được tôn trọng, dù họ đang bị luận tội. Bởi theo nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13 BLTTHS năm 2015) thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong điều kiện đó, bị cáo sẽ khai báo thoải mái hơn, tranh luận dân chủ hơn. Khi Luật sư ngồi ngang hàng với Kiểm sát viên sẽ bảo đảm sự bình đẳng, dân chủ trong việc tranh tụng. Có thể nói, đây là những bước tiến mới đáng ghi nhận trong hoạt động tố tụng và CCTP, chúng ta đã mạnh dạn cởi bỏ được nhiều thứ cũ, quan tâm hơn đến tính nhân văn và quyền lợi của các bị can, bị cáo - những người chưa bị Tòa tuyên là có tội.
Tiếp đến là chúng ta đã bỏ được “chiếc áo tù” mà lâu nay bị cáo vẫn phải mặc tại mỗi phiên tòa mà mang trạng phục như những người bình thường. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLTTHS năm 2015 mới có hiệu lực, người chưa bị Tòa tuyên án là có tội thì chưa phải tội phạm. Những người đang trong quá trình tạm giam, là các bị can hay bị cáo, khi Tòa chưa tuyên án, họ cũng chỉ bị hạn chế quyền tự do chứ chưa phải đã mất đi những quyền công dân cơ bản.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đây là những thay đổi tốt đẹp về chính sách hình sự của Nhà nước ta, được người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, mới đây, hình ảnh bị cáo Đinh La Thăng bị còng tay trước phiên xét xử lại khiến nhiều người băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng, vấn đề CCTP chúng ta đã thực hiện được khá nhiều, theo hướng nhân văn, nhân đạo, đặt quyền con người vào trung tâm sự cải cách, chúng ta đã bỏ được "áo tù", vành móng ngựa, chúng ta cho các bị can, bị cáo được tranh tụng, đối chất tại tòa... Vậy, nên chăng trong thời gian tới cũng nên bỏ chiếc còng số 8 trong những trường hợp này. Tuy nhiên, còng tay bị can, bị cáo khi dẫn giải ra phiên tòa là quy định riêng của Bộ Công an - cơ quan hành pháp, luật không quy định cụ thể về việc này. Vậy nên cần nghiên cứu vấn đề này, bởi hoạt động tố tụng và tư pháp đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt từ Tòa án nên cần có sự thay đổi cả từ phía cơ quan hành pháp để đảm bảo vấn đề CCTP được hoàn thiện hơn. Thực tế, một người bị đưa ra Tòa chưa phải là người có tội cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa, tội phạm kinh tế khác với tội phạm hình sự giết người, khủng bố hay xã hội đen, nên ta cần căn cứ vào từng trường hợp, đối tượng cụ thể mà áp dụng quy định còng tay.
Làm thế nào để đảm bảo tính nhân văn?
Đồng tình với những quan điểm trên, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQSTW cũng băn khoăn hình ảnh trong hội trường xét xử vụ án vừa qua có quá nhiều sắc phục cảnh sát. Ngồi trong một phiên tòa xét xử mà nhìn qua thấy nhiều sắc phục cảnh sát, liệu có cần thiết và đảm bảo không khí dân chủ hay không? Nếu cần nhiều cảnh sát bảo vệ thế thì các cảnh sát đó có thể mặc thường phục, không nhất thiết mặc sắc phục.
Theo ông Độ, một người từng là lãnh đạo, cũng đã có nhiều đóng góp, nay là bị can, bị cáo trong một vụ án về kinh tế, không nhất thiết phải còng tay. Vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc bị bắt giữ cũng bị còng tay, nhưng người ta rất tế nhị khi dùng một chiếc khăn hoặc chiếc áo che đi chiếc còng tay ấy, đó cũng là sự nhân văn. Chúng ta đã có nhiều bước tiến hướng tới sự nhân văn đó, thì hãy quan tâm, linh hoạt hơn trong việc sử dụng những chiếc còng số 8 vốn không đẹp mắt này, ông nhấn mạnh.
Trước đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Thông tư số 01 quy định về phòng xử án. Theo Thông tư này, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, Luật sư (LS) được bố trí chỗ ngồi ngang bằng với đại diện VKS. Quy định này không chỉ là một tin vui đối với giới LS mà còn là bước tiến đến việc đảm bảo tranh tụng dân chủ tại phiên tòa đã được Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề cập và được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.
Theo Thông tư 01, một trong những nguyên tắc khi bố trí phòng xử án là phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX; đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án; đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Một trong những quy định đáng chú ý là tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, LS được bố trí chỗ ngồi ngang với đại diện VKS. Cụ thể, vị trí của đại diện VKS và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa. Trong khi đó, tại phiên tòa tái thẩm, giám đốc thẩm, vị trí của đại diện VKS được bố trí phía dưới và đối diện với vị trí của thư ký phiên tòa. Vị trí của người tham gia tố tụng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, người bị kết án được bố trí ngang hàng và ở dưới vị trí của đơn vị chức năng của Tòa án. Điểm đáng chú ý khác theo Thông tư 01 là vành móng ngựa được thay thế bởi bục khai báo.
Đối với phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Có thể nói phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án, là nơi hội tụ giá trị văn hóa ứng xử của các chủ thể tố tụng. Với việc hiện thực hóa mô hình các vị trí trong phòng xử án, Thông tư 01 đã thể hiện vai trò trung tâm của HĐXX, đảm bảo quyền bình đẳng giữa chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội trước Tòa. Nó còn đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.