TANDTC với việc giải quyết vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phá sản
Tòa án - Ngày đăng : 06:41, 11/09/2017
Cách thức xử lý tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phá sản
Có một thời gian dài, các chuyên gia từng nhìn nhận quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó giao cho TANDTC có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Nghị quyết này.
Đến ngày 19/7/2017, TANDTC đã ban hành Công văn 152/TANDTC-PC về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, đánh dấu một trong những bước chuyển biến đầu tiên của hệ thống tư pháp trong nỗ lực hiện thực hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó, công văn đã hướng dẫn chi tiết về cách thức xử lý trong trường hợp doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản đối với các chủ nợ có đảm bảo.
Cụ thể, tại mục 9, về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản đối với các chủ nợ có bảo đảm (Điều 41 và Điều 53 Luật Phá sản năm 2013), công văn xác định:
Thứ nhất, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày TAND có thẩm quyền thụ lý vụ việc phá sản, các TAND phải: Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là một bên đương sự. Thủ tục tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; Tách và tạm đình chỉ giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là một bên đương sự. Thủ tục tách và tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính; Tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ có bảo đảm.
Thứ hai, trường hợp sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Phá sản năm 2013, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau: Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, TAND đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm.
Thứ ba, trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản năm 2013.
Với Công văn 152/TANDTC-PC, các tổ chức tín dụng hy vọng việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Thứ tư, việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 53 Luật Phá sản năm 2013 được thực hiện như sau: Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi TAND thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
“Trong quá trình thực hiện các quy định nêu trên, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh về TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn kịp thời”, công văn lưu ý.
Lời cảm ơn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Liên quan đến những vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo, trong công văn 152/TANDTC-PC nêu rõ: Thời gian qua, TANDTC nhận được phản ánh của một số Tòa án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam về vướng mắc khi giải quyết tranh chấp nhằm xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng.
Để bảo đảm giải quyết các tranh chấp hiệu quả, góp phần xử lý nợ xấu, TANDTC yêu cầu các Chánh án TAND cấp cao, các Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công văn chỉ đạo và lưu ý một số nội dung: Về xác định chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất; Về đại diện; Về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Về chuyển giao quyền yêu cầu; Về giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015); Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng; Về thời hiệu khởi kiện; Về khởi kiện và thụ lý vụ án và về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản đối với các chủ nợ có bảo đảm.
Đánh giá về Công văn 152/TANDTC-PC, ngay tại hội nghị trực tuyến của ngành ngân hàng về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã nói: “Văn bản này thực sự đã làm cho các tổ chức tín dụng hết sức phấn khởi và hy vọng việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn. Ngân hàng Nhà nước xin trân trọng cảm ơn Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản này”,
Theo Thống đốc, văn bản của TANDTC góp phần xử lý nợ xấu trên tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội. Và việc triển khai các giải pháp nêu tại Nghị quyết có hiệu quả, thuận lợi hay không sẽ không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các cơ quan liên quan. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.