Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Ninh: Đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự
Tòa án - Ngày đăng : 19:23, 12/04/2017
Trước tình trạng số các vụ án dân sự trên địa bàn ngày càng tăng, Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Ninh và các Tòa án cấp huyện đã phối hợp với VKSND cùng cấp, các cơ quan hữu quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc dân sự đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân.
Từ đầu năm đến nay, Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Ninh và các TAND cấp huyện đã giải quyết hàng trăm vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình. Các vụ việc mà người dân yêu cầu Tòa án giải quyết có tính chất phức tạp ngày càng tăng, tranh chấp rất gay gắt. Một số vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, khi thực hiện ủy thác cho Tòa án nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ nhưng do bên được ủy thác không ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam hoặc có ký kết nhưng khi thực hiện việc ủy thác tư pháp thì Tòa án ở Việt Nam không nhận được kết quả đã gây rất nhiều khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Thẩm phán Nguyễn Văn Vụ, Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ những kinh nghiệm nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc dân sự
Để đáp ứng đòi hỏi của công việc, Tòa Dân sự và các Tòa án cấp huyện đã áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự. Xác định con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của mọi công việc, lãnh đạo các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của Thẩm phán và Thư ký trong công tác xét xử các vụ án dân sự. Các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân luôn đảm bảo được tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong công tác xét xử, thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng, đề cao đạo đức nghề nghiệp. Thẩm phán, Hội thẩm không được phép có định kiến hoặc phân biệt, đối xử vì các mối quan hệ huyết thống, họ hàng, đồng hương, giới tính, khả năng kinh tế và địa vị xã hội của các đương sự trong vụ án.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử theo định kỳ, cập nhật thường xuyên và phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật mới cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân làm công tác xét xử các vụ án dân sự. Bản thân mỗi cá nhân cũng tích cực học hỏi nghiên cứu khoa học để nắm vững các quy định của pháp luật về dân sự và TTDS để áp dụng trong thực tiễn xét xử. Ngoài ra, Tòa Dân sự cũng tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm về chuyên môn, chỉ ra những sai lầm, thiếu sót đối với các Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm về các trường hợp mà bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.
Mặt khác, xác định sự phối hợp với các cơ quan hữu quan có trách nhiệm trong công tác giải quyết các vụ án dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, các đơn vị Tòa án đã tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan có liên quan nên quá trình giải quyết vụ án được thuận lợi, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân. Ngoài ra, Tòa Dân sự luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội để tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với công tác giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm. Trong công tác thi đua, khen thưởng, Tòa Dân sự đề cao tính công bằng, công khai, tránh việc cào bằng; kịp thời khuyến khích, động viên đối với những Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân có thành tích tốt trong việc giải quyết các vụ án dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Thẩm phán luôn đẩy mạnh công tác hòa giải, chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ cho buổi hòa giải như bố trí phòng hòa giải mang yếu tố thân thiện; thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án và lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp. Khi hòa giải, người Thẩm phán thường xuyên vận dụng kỹ năng điều đình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục để hóa giải mâu thuẫn của các đương sự. Tự tin vào năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức về xã hội, người Thẩm phán luôn biết lắng nghe, chia sẻ và có sự cảm thông với những khúc mắc, khó khăn của người dân nên nhiều vụ án đã được hòa giải thành tại Tòa án. Quá trình hòa giải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Những vụ không thể hòa giải phải đưa ra xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phối hợp nhịp nhàng trong điều khiển phiên tòa, đặc biệt là kỹ năng điều hành tranh tụng, tạo điều kiện cho đương sự tranh tụng để tìm ra sự thực khách quan để từ đó có quyết định đúng đắn. Các vụ việc dân sự khi được giải quyết đã làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, hàn gắn được những tình cảm sứt mẻ trong nội bộ nhân dân cũng như trong mỗi gia đình. Do đó, thời gian qua người dân ngày càng tin tưởng vào Tòa án nói chung, đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nói riêng; góp phần tạo được niềm tin của các cấp ủy, chính quyền địa phương và xã hội đối với công tác xét xử.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, Thẩm phán Nguyễn Văn Vụ, Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Ninh mong muốn TANDTC cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, TANDTC cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đào tạo theo định kỳ về kỹ năng xét xử các vụ án dân sự cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân của Tòa án các cấp.