Đề xuất TANDTC hướng dẫn một số nội dung của BLDS năm 2015
Tòa án - Ngày đăng : 08:24, 20/12/2016
BLDS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan vẫn còn một số quy định chưa tương thích, đồng bộ, thống nhất hoặc còn có khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ dân sự cụ thể.
Tại diễn đàn: “BLDS năm 2015 - Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành” do Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 14/12 với nhiều đại biểu, chuyên gia đến từ một số cơ quan của Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC… đã nêu ra thảo luận về vấn đề này.
Điểm mới cần đề xuất, kiến nghị
Mục đích của Diễn đàn là cung cấp thông tin, chia sẻ việc triển khai thi hành BLDS 2015 - một trong những đạo luật quan trọng, cơ bản trong hệ thống pháp luật của Việt Nam; tập trung thảo luận những sửa đổi, bổ sung lớn của BLDS năm 2015 có tác động đến các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan, từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hơn các VBQPPL này cũng như việc áp dụng pháp luật dân sự nói chung trong thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, sau khi được ban hành, BLDS là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự, hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền trong việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Việc tổ chức triển khai thi hành BLDS 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức đối với các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia quá trình triển khai nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật.
Trình bày những điểm mới của BLDS năm 2015 và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các văn bản có liên quan, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành kịp thời rà soát những quan hệ dân sự đặc thù cần điều chỉnh trong các luật liên quan, đồng thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để đảm bảo thống nhất trong hoàn thiện, áp dụng pháp luật.
Về việc áp dụng, BLDS 2015 quy định: Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Như vậy, việc quy định lại các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong các luật khác có liên quan là không cần thiết hoặc trong trường hợp có ghi nhận lại thì phải bảo đảm không trái với quy định của BLDS.
Theo đó, BLDS năm 2015 có những điểm mới cần được sửa đổi, bổ sung trong các VBQPPL có liên quan để thi hành như phạm vi tranh chấp được lựa chọn áp dụng cơ chế trọng tài. khoản 1 Điều 14 BLDS 2015 quy định: "Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau: "1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; 2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; 3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài". Như vậy, theo quy định mới của BLDS năm 2015 thì phạm vi các tranh chấp được giải quyết bằng phương thức trọng tài có tính chất "mở" hơn so với cách tiếp cận tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Do vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại theo hướng bảo đảm quyền lựa chọn phương thức bảo vệ quyền dân sự của chủ thể thông qua việc làm rõ hơn thẩm quyền của trọng tài và những vụ việc trọng tài không có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị TANDTC hướng dẫn một số nội dung
Một điểm mới nữa là vấn đề “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành mới chỉ quy định về mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự trên cơ sở cụ thể hóa BLDS năm 2005 mà chưa có quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do đó, thiếu căn cứ áp dụng để thực hiện, bảo vệ quyền của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trong việc xác định hiệu lực của giao dịch, hiệu lực của việc đại diện như quy định tại khoản 6 Điều 157 Luật Nhà ở năm 2014; khoản 6, khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012... Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL hướng dẫn việc áp dụng pháp luật đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong quan hệ dân sự cụ thể.
Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số vấn đề cần được TANDTC hướng dẫn cụ thể để đảm bảo sự thống nhất trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự. Ví dụ, quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2 Điều 14 BLDS năm 2015). Trong trường hợp này, nếu không có tập quán và không áp dụng được tương tự pháp luật thì Tòa án được quyền vận dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự.
Cùng với BLDS năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tiếp tục khẳng định nguyên tắc "Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" (khoản 2 Điều 4). Đồng thời đã làm rõ hơn khái niệm "vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng", nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng (Điều 45), cách thức ra quyết định, bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm trong trường hợp áp dụng nguồn khác của pháp luật để giải quyết vụ việc.
Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong việc Toà án thực hiện vai trò là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý trong trường hợp không có quy định của pháp luật, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân trong lĩnh vực dân sự, TANDTC cần hướng dẫn để vận dụng giải quyết một quan hệ dân sự cụ thể khi không có điều luật để áp dụng.
Về các công cụ pháp lý để giải quyết vụ việc dân sự, hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Tuy nhiên, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản và lẽ công bằng để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng, giải quyết các vụ, việc dân sự trong toàn ngành Tòa án cũng như sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết vụ, việc dân sự.