Nghiên cứu thành lập Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp: Góp phần hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND các cấp
Tòa án - Ngày đăng : 21:10, 28/11/2016
Tham dự Hội thảo có đại diện Qũy Nhi đồng Liên Hợp quốc; Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, các đơn vị chức năng của TANDTC. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì Hội thảo.
Triển khai thành lập Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ, ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo
Ngày 21/1/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Thông tư cũng quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa GĐVNCTN; quy trình đề nghị tổ chức Tòa GĐVNCTN; công tác nhân sự, cơ sở vật chất của Tòa GĐVNCTN.
Theo đó, Tòa GĐVNCTN phải có phòng tư vấn, hòa giải; phòng trẻ em; phòng trợ giúp y tế và phòng xét xử thân thiện; các cán bộ Tòa án phải nắm chắc các quy định của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, về hôn nhân và gia đình.
Chánh án TANDTC yêu cầu các Tòa án cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục ở trung ương và địa phương để phối hợp với Tòa án giải quyết tốt các vụ việc thuộc thẩm quyền của của Tòa GĐVNCTN.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì Hội thảo
Sau một quá trình nỗ lực chuẩn bị, ngày 4/4/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, TANDTC đã tổ chức Lễ ra mắt Tòa GĐVNCTN. Đây là Tòa chuyên trách thuộc TAND cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức theo Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Để tiếp tục tổ chức Tòa GĐVNCTN tại Tòa án các cấp, với sự hỗ trợ của UNICEF và trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động số 17 “Hỗ trợ TANDTC triển khai và hướng dẫn hoạt động của Tòa GĐVNCTN”, TANDTC tiếp tục triển khai Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp.
Trình bày “Kế hoạch vận hành Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp”, ông Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC nhấn mạnh mục đích của hoạt động này là giúp Tòa GĐVNCTN khi được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vận hành hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ việc về GĐVNCTN trên địa bàn, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.
Ông Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC trình bày “Kế hoạch vận hành Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp”
Việc tổ chức Tòa GĐVNCTN tại tỉnh Đồng Tháp theo quy định của pháp luật góp phần hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND các cấp, từ đó đưa ra những giải pháp, khuyến nghị cụ thể nhằm bảo đảm quyền trẻ em được bảo vệ, đáp ứng yêu cầu cải cải tư pháp đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Vận hành Tòa GĐVNCTN tại tỉnh Đồng Tháp nói riêng, của hệ thống TAND nói chung được tiến hành có hiệu quả sẽ bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới.
Từ nay đến năm 2017, Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp căn cứ vào các điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách, rà soát, đánh giá nhu cầu tổ chức Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh và các TAND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để rà soát về biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hiện có để xây dựng hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa GĐVNCTN tại TAND tỉnh Đồng Tháp.
Đảm bảo tính chắc chắn, khả thi của Tòa GĐVNCTN
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; Hội Luật gia Việt Nam; Vụ Giám đốc kiểm tra III- TANDTC… đều đồng tình với việc cần thiết phải thành lập Tòa GĐVNCTN tại TAND.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã góp ý trực tiếp vào dự thảo “Kế hoạch vận hành Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp” với những nội dung cụ thể về nhân sự, cơ sở vật chất, cách thức thực hiện kế hoạch khi được ban hành. Việc ra đời của Tòa GĐVNCTN trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp.
Quang cảnh Hội thảo
Thành lập Tòa GĐVNCTN không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND mà là thiết chế tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về GĐVNCTN nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và thời hạn giải quyết các vụ việc này tại TAND.
Hơn nữa, việc thành lập Tòa GĐVNCTN chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa GĐVNCTN là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan; đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.
Kết luận hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu và khẳng định TANDTC đã tích cực, khẩn trương trong việc triển khai xây dựng Tòa GĐVNCTN.
Nhân dịp này, lãnh đạo TANDTC ghi nhận những đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc trong công tác bảo vệ trẻ em và việc xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện cho trẻ em ở Việt Nam, trong đó có sự ra đời của Tòa GĐVNCTN. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc triển khai tổ chức các Tòa chuyên trách thuộc TAND nói chung cũng như Tòa GĐVNCTN nói riêng mới chỉ tổ chức được ở Vụ Giám đốc kiểm tra án GĐVNCTN (Vụ III) thuộc TANDTC.
Ngoài ra, Tòa GĐVNCTN cũng chỉ được thành lập ở TAND cấp cao tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một Tòa GĐVNCTN là chuyên trách cấp tỉnh tại TAND TP. Hồ Chí Minh, mà chưa có thêm TAND nào tổ chức được Tòa chuyên trách này. Do đó, để tiếp tục tổ chức Tòa GĐVNCTN kịp thời và đúng quy định của pháp luật, TANDTC ban hành “Kế hoạch vận hành Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp” với mục đích là giúp Tòa GĐVNCTN được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vận hành hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ việc về GĐVNCTN trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra những giải pháp, khuyến nghị cụ thể nhằm bảo đảm quyền trẻ em được bảo vệ, được giải quyết tại Tòa án Việt Nam, cũng như quyền tiếp cận các dịch vụ pháp lý của họ được nâng cao.
Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học phối hợp với các đơn vị thuộc TANDTC, TAND tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan liên quan, khẩn trương tổng hợp các ý kiến đóng góp, sớm hoàn thiện Kế hoạch. Cũng theo lịch trình, TANDTC sẽ sơ kết 6 tháng hoạt động của Tòa GĐVNCTN tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục tổ chức hội thảo về triển khai thành lập Tòa GĐVNCTN tại tỉnh Đồng Tháp để đảm bảo tính chắc chắn, chặt chẽ, khả thi trước khi chính thức ký ban hành đưa vào hoạt động Tòa GĐVNCTN tại Đồng Tháp cũng như sẽ triển khai trong toàn quốc vào thời gian tới.