Thời hiệu khởi kiện trong Luật Tố tụng hành chính
Tòa án - Ngày đăng : 08:57, 25/11/2016
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật Tố tụng dân sự được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 159 là 2 năm. Theo Điều 30 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì thời hiệu khiếu kiện hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy từng trường hợp. Như vậy, có thể thấy các quy định trước khi Luật TTTHC ra đời về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính khá ngắn trong khi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì lại khá dài. Đặc trưng của tố tụng hành chính đòi hỏi thời hiệu khởi kiện không thể quá ngắn để đảm bảo cho người dân có đủ thời gian chuẩn bị chứng cứ, tuy nhiên, thời hiệu này cũng không thể quá dài vì đặc thù của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính.
Trên cơ sở rà soát các quy định hiện thời của pháp luật liên quan về thời hiệu khởi kiện trong đó có thời hiệu khởi kiện hành vi hành chính về đất đai theo Luật Đất đai, Luật TTHC quy định rõ thời hiệu khởi kiện theo từng nội dung khởi kiện của đương sự. Theo đó, đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Đối với khiếu kiện về các quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì thời hiệu khởi kiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Đối với khiếu kiện về kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri thì thời hạn khởi kiện kéo dài từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc từ ngày kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri cho đến trước ngày bầu cử 5 ngày.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện các vụ án hành chính được tính căn cứ vào nội dung khởi kiện. Ngoài ra, trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính.
Ngoài ra, có thể thấy, Luật TTHC có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 cũng quy định, TAND cấp huyện không giải quyết thủ tục sơ thẩm đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện.
Đồng thời, luật cũng quy định Toà án “phải” tiến hành đối thoại cho các bên đương sự, khác so với trước đây, Toà án “tạo điều kiện” để các bên đối thoại. Luật cũng quy định trong trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này.
Không những vậy, Luật TTHC dành nguyên một chương quy định về việc Toà án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính nếu phát hiện thấy văn bản quy phạm trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án. Có thể thấy, quy định này phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND 2014; bảo đảm giải quyết vụ án đúng đắn, toàn diện; bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong nhà nước pháp quyền, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.