Trách nhiệm của Thẩm phán trong việc bảo vệ quyền của người bị hại, người làm chứng
Tòa án - Ngày đăng : 08:26, 24/10/2016
Theo tinh thần cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra tại các Nghị quyết 48, 49, khi xét xử, Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để đưa ra phán quyết của mình.
Điều đó khẳng định rằng, ý kiến của người bị hại, lời khai của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phán quyết của Tòa án. Hội đồng xét xử có trách nhiệm đánh giá, kiểm tra, xác minh và sử dụng các lời khai của người bị hại, người làm chứng với ý nghĩa là chứng cứ, xác định việc truy tố của VKS là có căn cứ hay không, bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và trách nhiệm pháp lý ra sao? Điều đó đặt ra yêu cầu Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng nghề nghiệp, có bản lĩnh vững vàng mới thực hiện được.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, đã có rất nhiều vụ án mà hoạt động điều tra, thu thập lời khai của người bị hại, người làm chứng, bị cáo thiếu khách quan, nhưng lại được “hợp pháp hóa” bằng các “quy trình” tố tụng, khiến cho Thẩm phán đứng trước “trận đồ bát quái”, nếu không tỉnh táo sẽ không thể xác định được đâu là sự thật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số bản án được tuyên gây oan sai cho người vô tội. Thực tế này càng đặt ra yêu cầu về trách nhiệm khách quan, toàn diện, tuân thủ pháp luật của những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán trong việc thu thập, xác minh, đánh giá, sử dụng chứng cứ chứng minh tội phạm.
Để làm được điều đó, khi tiến hành tố tụng, Thẩm phán phải tuân thủ hệ thống các quy định của pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung, quyền của người bị hại, người làm chứng nói riêng. Trong các giai đoạn xét xử, Thẩm phán được giao chủ tọa phiên tòa là người trực tiếp tiến hành tố tụng, trước hết, phải bảo đảm để người bị hại, người làm chứng được hưởng đầy đủ các quyền tố tụng theo luật định (Điều 51, 55 BLTTHS hiện hành; Điều 62, 66 BLTTHS năm 2015). Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ. Đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân của người tiến hành tố tụng mà còn là người đại diện của Tòa án, nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ nhân dân.
Người bị hại tại một phiên tòa
Để thực hiện tốt trách nhiệm này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần có những kỹ năng như: chủ động áp dụng pháp luật bảo vệ các quyền tố tụng, đặc biệt là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các lợi ích hợp pháp khác của người bị hại, người làm chứng. Ngay sau khi được giao chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án, Thẩm phán cần sớm nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu lời khai người làm chứng, người bị hại, chú ý trình tự và thủ tục thu thập lời khai (như cách đặt câu hỏi của điều tra viên, địa điểm lấy lời khai…); Giải thích để người bị hại và người làm chứng biết các quyền tố tụng của mình.
Việc giữ bí mật về lời khai, hình ảnh và lai lịch người làm chứng, người bị hại cũng rất quan trọng. Cho nên tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người bị hại, người làm chứng; yêu cầu người bào chữa phải cam kết giữ bí mật về nội dung lời khai, địa chỉ nơi cư trú của người làm chứng, người bị hại bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết đó; hoặc có thể tạm thời thay đổi nơi ở, bố trí lực lượng bí mật bảo vệ người làm chứng, người bị hại tại nơi ở, nơi làm việc của họ…Tại phiên tòa, Thẩm phán có thể không công bố lai lịch người làm chứng, người bị hại, không cho phép bất kỳ người nào ghi âm, ghi hình người làm chứng, người bị hại vì lý do bảo đảm an toàn cho họ.
Đáng chú ý là Thẩm phán nên khuyến khích và chủ động tổ chức cho các đương sự, bị cáo gặp gỡ thương lượng về việc giải quyết trách nhiệm dân sự, bảo đảm tốt nhất quyền được bồi thường thiệt hại kịp thời. Một trong những nhiệm vụ của việc giải quyết vụ án hình sự là giải quyết quyền được bồi thường thiệt hại của người bị hại do hành vi phạm tội gây ra. Tức là, đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội thì Tòa án phải giải quyết trách nhiệm dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người do tội phạm gây ra.
Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, trước hết, Thẩm phán cần tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận việc bồi thường, động viên, khuyến khích bị cáo, bị đơn dân sự tự nguyện bồi thường cho người bị hại trước khi xét xử. Nếu thỏa thuận thành công tức là đã đạt được mục tiêu kép, người phạm tội sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt do tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, còn người bị hại sớm được đảm bảo quyền bồi thường, khắc phục phần nào hậu quả mà tội phạm đã gây ra.
Khi áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015, mặc dù Bộ luật này chưa có hiệu lực nhưng theo hướng dẫn, một số những quy định liên quan đến việc bảo đảm lợi ích cho người bị hại vẫn được áp dụng. Nên khi áp dụng các quy định có lợi này, Thẩm phán cần có sự linh hoạt để không chỉ có lợi cho người phạm tội mà còn làm lợi hơn cho người bị hại. Trong trường hợp người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thì bị cáo sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Để có căn cứ áp dụng các quy định này, Thẩm phán có thể động viên bị cáo, gia đình bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, thể hiện thái độ ăn năn hối cải để giải tỏa bức xúc cho gia đình người bị hại, từ đó có cơ hội được người bị hại xin giảm nhẹ.
Tóm lại, trong bất kỳ hoạt động tố tụng nào, ngoài yêu cầu truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời người đã bị tội phạm xâm hại, phụng công thủ pháp, chí công vô tư thì, Điều tra viên, Kiểm sát viên, đặc biệt là Thẩm phán cần nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phục vụ nhân dân. Đó là yếu tố cốt lõi góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ công lý.