Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân
Tòa án - Ngày đăng : 11:19, 22/10/2016
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế
Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 437). Đối tượng, điều kiện áp dụng: Biện pháp này được áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại;
Trách nhiệm quản lý tài sản bị kê biên: Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật (có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 385 Bộ luật hình sự về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản);
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng: theo quy định tại Điều 128 BLTTHS và phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; đại diện chính quyền cơ sở nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên và người chứng kiến.
Phong tỏa tài khoản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 438). Đối tượng, điều kiện và phạm vi về chủ thể bị áp dụng: Biện pháp này được áp dụng pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước; áp dụng không chỉ đối với pháp nhân phạm tội, mà còn đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại;
Trách nhiệm quản lý tài khoản bị phong tỏa: Cơ quan phong tỏa tài khoản phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho đại diện tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân hoặc tài khoản của cá nhân, tổ chức khác liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục: Theo quy định tại Điều 129 BLTTHS.
Cá chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa) vào tháng 5/2016 do doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm (Ảnh: Hoàng Anh Thắng)
Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 439). Căn cứ áp dụng: Khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội;
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng: Cấp trưởng, cấp phó của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp và Hội đồng xét xử; quyết định của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng của Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
Thời hạn áp dụng: không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; thời hạn tạm đình chỉ đối với pháp nhân bị kết án kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm pháp nhân chấp hành án.
Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án (Điều 439). Đối tượng, điều kiện áp dụng: Biện pháp này được áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại;
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục: tương tự biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân; BLTTHS quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra trong các trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra (việc giám định, định giá, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả);
Quy định 5 trường hợp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân, gồm: không có sự việc phạm tội; hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm; hành vi phạm tội của pháp nhân đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xét xử đối với pháp nhân: Thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân được thực hiện theo lãnh thổ, nghĩa là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm; trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm;
Về cơ bản, trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân tương tự như đối với cá nhân; lưu ý là phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
Thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân (Điều 445): Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định hình phạt tiền đối với pháp nhân do cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;
Các hình phạt khác gồm: Đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp chỉ quy định nguyên tắc chung là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật Hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật” (sẽ được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự);
BLTTHS 2015 quy định rõ trường hợp pháp nhân bị kết án thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án phạt tiền, bồi thường thiệt hại.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân (Điều 446): Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích, nếu xét thấy có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Hình sự, thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích.