BLTTHS năm 2015: Quy định mới về thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Tòa án - Ngày đăng : 09:18, 30/09/2016
Quy định mới về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án
BLTTHS năm 2015 (Điều 364) bổ sung quy định mới về việc thi hành hình phạt cảnh cáo, được thi hành ngay tại phiên tòa, mặc dù sau đó bản án, quyết định vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Bên cạnh đó, thực tiễn những năm qua cho thấy khá nhiều bản án, quyết định của Tòa án có nội dung không rõ, dẫn đến công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân chưa được bảo vệ kịp thời, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn thiếu những quy định để khắc phục thiếu sót này. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung điều luật mới quy định việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án, theo đó:
Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án gồm: Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại và đương sự liên quan đến việc thi hành án.
Thẩm quyền giải thích, sửa chữa thuộc về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định đó; trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.
Để góp phần phát hiện và khắc phục sớm những thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng trong bản án, quyết định của Tòa án, đồng thời tăng cường vai trò của các cơ quan thi hành án, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định mới về trách nhiệm và thời hạn trả lời kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, theo đó:
Cơ quan có quyền kiến nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự;
Một phiên tòa xét xử lưu động (Ảnh: Thế Duyệt)
Thời hạn trả lời kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị; trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 120 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành
Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế xem xét, quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC đối với bản án tử hình, BLTTHS bổ sung quy định về trách nhiệm của TANDTC phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tối cao nghiên cứu sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; thời hạn để VKSNDTC nghiên cứu hồ sơ vụ án là 1 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và phải chuyển trả lại hồ sơ vụ án cho TANDTC.
Quán triệt chủ trương cải cách tư pháp của Đảng về hạn chế hình phạt tử hình, trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Khoản 3, Điều 40 BLTTHS năm 2015 đã quy định theo hướng mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình, theo đó không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nhằm bảo đảm sự thống nhất với BLHS năm 1999, kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 259 BLTTHS năm 2003 và sắp xếp lại vị trí của điều khoản cho hợp lý, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án. Theo đó, khi có căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 40 BLHS thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án TANDTC để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Bổ sung quy định về thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện
Tha tù trước hạn có điều kiện thực chất là cho người đang chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam, giữ được tiếp tục chấp hành án tại cộng đồng xã hội và họ phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù. Điều kiện để áp dụng chế định này được quy định rất chặt chẽ, như: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và nghĩa vụ bồi thường dân sự; đã chấp hành được một thời hạn phạt tù nhất định tùy theo loại tội mà họ bị kết án….và một số điều kiện khác theo quy định của BLHS (khoản 1,2 Điều 66).
Nếu vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên hoặc bị xử phạt hành chính 2 lần trở lên thì có thể bị buộc phải trở lại cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành án; nếu thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì người đó bị buộc chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt từ chưa chấp hành của bản án trước; nếu có nhiều tiến bộ thì có thể được rút ngắn thời gian thử thách (khoản 3,4,5 Điều 66).
Để phù hợp với quy định mới của Bộ luật hình sự, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định về thủ tục xét tha tù trước hạn có điều kiện, theo đó:
Về thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị: Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an; trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn và chuyển cho VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu và TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
Về thủ tục: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, VKS phải ra văn bản thể hiện quan điểm về đề nghị xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; Chánh án Tòa án phải mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp để cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp VKS, Tòa án yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung tài liệu, thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và gửi cho VKS, Tòa án.
Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện gồm Chánh án và 2 Thẩm phán, do Chánh án làm Chủ tịch Hội đồng. Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị. Kiểm sát viên trình bày quan điểm về đề nghị xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và việc tuân theo pháp luật trong việc xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Phiên họp phải được lập thành biên bản với những nội dung theo luật định; sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên xem biên bản phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp; Chánh án phải kiểm tra biên bản, cùng với thư ký phiên họp ký vào biên bản.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định cho phạm nhân, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan đã lập hồ sơ đề nghị, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cấp quân khu, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở. Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Về xử lý vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách: Trường hợp người được tha tù trước thời hạn vi phạm các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của BLHS, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn phải lập hồ sơ chuyển đến VKS và Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định đã ban hành.
Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, phạm nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Chương XXII (Xét xử phúc thẩm) và Chương XXXIII của BLTTHS.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục xóa án tích
BLTTHS 2015 thay đổi chủ thể có thẩm quyền xác nhận việc đương nhiên xóa án tích, theo đó thẩm quyền cấp này thuộc về cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thay vì Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án như quy định của BTTHS năm 2003. Đối với trường hợp đương nhiên được xoá án tích, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 BLHS; đối với các trường hợp xóa án tích còn lại đều do Tòa án xem xét, quyết định.
Về thủ tục xóa án tích cho người bị kết án, để phù hợp với quy định Bộ luật hình sự, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Về thủ tục đương nhiên được xóa án tích, bổ sung quy định trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 BLHS, thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích và nội dung này cũng được cập nhật trong lý lịch tư pháp của người đó.
Về thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án, bổ sung quy định thời hạn cụ thể để Tòa án, VKS có trách nhiệm xem xét, giải quyết đơn xin xoá án tích của người bị kết án, theo đó, trong thời hạn không quá 13 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận đơn xin xoá án tích phải có quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xóa án tích; một trong hai quyết định này phải được Tòa án giao cho người bị kết án trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ra quyết định.