Hoàn thiện thể chế, chính sách trong phòng, chống tham nhũng

Tòa án - Ngày đăng : 11:25, 29/08/2016

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, TAND các cấp đã xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ án tham nhũng, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường hướng dẫn pháp luật về xử lý tội phạm tham nhũng

Trên cơ sở các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2000/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về xử lý về tội phạm tham nhũng, chức vụ;   Nghị quyết 01/2001/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ. Chánh án TANDTC ban hành Công văn số 242/CV-TA về tổ chức xét xử các tội phạm tham nhũng để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong đó TANDTC yêu cầu Toà án các cấp phải đưa ra xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng; áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; thực hiện các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại. Công văn số 69/TANDTC-TK, Công văn số 79/TANDTC-TK của TANDTC yêu cầu các Toà án đảm bảo việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Chỉ thị số 01/2005/CT-TA của Chánh án TANDTC về công tác đấu tranh phòng, chống một số tội phạm hình sự cũng yêu cầu các TAND đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là phải xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng và vụ án lớn, trọng điểm…

Hoàn thiện thể chế, chính sách trong phòng, chống tham nhũng

Xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam

Tại các hội nghị triển khai công tác hàng năm của TAND, Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC đều yêu cầu Tòa án các cấp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình phải tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp để giải quyết, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ án tham nhũng. Ngoài ra, TANDTC còn ban hành hàng trăm công văn trao đổi nghiệp vụ để kịp thời hỗ trợ các Tòa án tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng. Do đó, các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được đưa ra xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật. Cũng qua công tác giám đốc việc xét xử, TANDTC thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Tòa án; kịp thời phát hiện và kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án xét xử tội phạm tham nhũng có thiếu sót nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách trong việc phòng, chống tham nhũng

Với vai trò là cơ quan phối hợp nghiên cứu thực hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 và Dự án BLHS (sửa đổi) năm 2015, TANDTC đã tiến hành nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất với Ban soạn thảo nhiều ý kiến xác đáng làm cơ sở pháp lý, khoa học để sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong BLHS năm 2015, góp phần hoàn thiện chính sách hình sự trong xử lý tội phạm tham nhũng. Đặc biệt, để kịp thời đóng góp ý kiến hoàn thiện BLHS năm 2015 về tội phạm tham nhũng và chuẩn bị cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, TANDTC đã tổ chức tọa đàm về hoàn thiện các quy định của BLHS về tội phạm tham nhũng. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học tại buổi tọa đàm, TANDTC đã kịp thời kiến nghị điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến nhóm tội phạm tham nhũng. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ được phân công, hiện nay TANDTC đang phối hợp với một số cơ quan ở Trung ương trong việc nghiên cứu, lập dự án sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới, TANDTC đề xuất cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách phòng ngừa tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, bởi nếu không có các thể chế, chính sách thì chúng ta không thể phòng bị từ xa, không giải quyết tận gốc được nạn tham nhũng. Cùng với việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng vào năm 2016 gắn với việc tổ chức thực hiện các quy định mới về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong BLHS năm 2015 thì cần khẩn trương rà soát các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn của từng ngành, từng lĩnh vực, trên cơ sở đó sớm hoàn thiện các quy định này cho phù hợp; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương và có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, TANDTC kiến nghị cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp hơn, để vừa phát huy tác dụng phòng ngừa tham nhũng, vừa giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng quy định việc mua, bán tài sản có giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản; hạn chế sử dụng tiền mặt, tiến tới thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của xã hội. Mặt khác, giao cho một cơ quan ở Trung ương làm đầu mối quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm soát, tiếp nhận, xử lý thông tin, xác minh về tài sản, thu nhập; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Cùng với đó, cần bổ sung quy định về việc xử lý đối với các khoản thu nhập không kê khai hoặc kê khai không chính xác; bổ sung quy định về việc người có nghĩa vụ kê khai tài sản nhưng khi có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của người đó mà không giải trình được một cách hợp lý thì tài sản đó bị coi là bất hợp pháp, phải bị tịch thu và người sở hữu tài sản đó có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cân nhắc việc tổ chức đợt tổng điều tra tài sản toàn dân để làm cơ sở, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát, xử lý những tài sản do tham nhũng hoặc do hành vi bất minh mà có.

Trần Quang Huy