Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Bổ sung một số quyền của người bào chữa

Tòa án - Ngày đăng : 08:00, 14/08/2016

Để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội; đồng thời nhằm tăng cường trách nhiệm của người bào chữa, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền và cơ chế bảo đảm người bào chữa thực hiện tốt các quyền luật định.

Mở rộng diện người được bảm đảm quyền bào chữa

Để bảo đảm cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, BLTTHS năm 2015 bổ sung quyền và quy định rõ hơn nghĩa vụ cho các đối tượng này như: Đưa ra chứng cứ; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Yêu cầu giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; Được thông báo kết quả giải quyết vụ án; Đề nghị chủ tọa hỏi những người tham gia phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Bổ sung một số quyền của người bào chữa

Một phiên tòa hình sự

BLTTHS năm 2015 sửa đổi các quy định liên quan đến người làm chứng, theo đó quy định thời điểm người làm chứng tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi cơ quan có thẩm quyền xác minh các nguồn tin về tội phạm. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập phải tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

BLTTHS năm 2015 đã mở rộng diện người được bảm đảm quyền bào chữa. BLTTHS năm 2003 quy định 3 diện người có quyền được bào chữa gồm: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. BLTTHS năm 2015 bổ sung người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa.

Để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị buộc tội, phù hợp với Luật trợ giúp pháp lý đã quy định diện người này, BLTTHS năm 2015 bổ sung diện người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách.

BLTTHS năm 2003 chưa quy định về người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. BLTTHS năm 2015 xây dựng hai điều luật (Điều 83 và Điều 84) quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này với những bổ sung quan trọng như: Quy định ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố đã có quyền có người bảo vệ quyền lợi; quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; yêu cầu giám định, định giá tài sản; quyền tham gia các hoạt động tố tụng để bảo vệ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự và một số quyền khác.

BLTTHS năm 2015 thay quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo luật định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm: Kiểm tra giấy tờ do người bào chữa cung cấp, nếu thấy đủ điều kiện luật định thì vào sổ đăng ký bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký và cơ sở giam giữ. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng.

Bảo đảm cho người bào chữa thực hiện các quyền luật định

Để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội; đồng thời nhằm tăng cường trách nhiệm của người bào chữa,  BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền và cơ chế bảo đảm người bào chữa thực hiện tốt các quyền luật định. Theo đó, bổ sung một số quyền của người bào chữa, gồm: Quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt; Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thay vì chỉ được hỏi khi cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý như hiện nay; Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, bổ sung nghĩa vụ của người bào chữa phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; không được tiết lộ thông tin mà mình biết được khi tham gia các hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án hoặc liên quan đến người mà mình bào chữa cho những người không có trách nhiệm giải quyết vụ án. Ngoài ra, cũng bổ sung các cơ chế để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa như: Quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia; quy định cụ thể thủ tục gặp người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thủ tục giao nộp chứng cứ, thủ tục đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Thủ tục mời, cử người bào chữa được quy định cụ thể hơn. Theo đó, bổ sung người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa. Đồng thời, quy định cụ thể thủ tục và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị tạm giữ, tạm giam khi tiếp nhận được yêu cầu nhờ người bào từ người buộc tội phải chuyển yêu cầu này hoặc thông báo cho người bào chữa được họ nhờ biết; có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa liên hệ với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để thỏa thuận về việc nhờ bào chữa.

Để bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội theo khung hình phạt có quy định các loại, mức hình phạt nghiêm khắc, nhưng đồng thời bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta, BLTTHS năm 2015 mở rộng các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. BLTTHS năm 2003 quy định bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình. BLTTHS năm 2015 quy định bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân, tử hình.

BLTTHS năm 2015 cũng bổ sung những đối tượng không được làm người bào chữa, gồm: Nếu đã tham gia vụ án đó với tư cách là người dịch thuật; là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. Quy định này để phù hợp với Luật luật sư; bảo đảm tính khách quan, tính chặt chẽ của hoạt động tố tụng hình sự.

Theo BLTTHS năm 2015, thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn. BLTTHS năm 2003 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi có quyết định tạm giữ. BLTTHS năm 2015 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi có người bị bắt.

Phương Nam