Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 01/08/2016

Bộ luật BLTTDS năm 2015 quy định rõ hơn căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm; sửa đổi, bổ sung quy định về người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thẩm quyền giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Hội đồng Thẩm phán TANDTC…

Quy định rõ hơn căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

BLTTDS năm 2015 quy định rõ hơn căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra quyết định, bản án không đúng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

 BLTTDS năm 2015 bổ sung điều luật mới (Điều 330) quy định đương sự được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu những tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc những tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Một phiên tòa giải quyết vụ án dân sự

Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 còn bổ sung quy định về thủ tục tại phiên tòa giám đốc thẩm, đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm trình bày ý kiến, tranh luận về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu. 

Để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Bổ sung quy định Hội đồng giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.

Vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự

BLTTDS năm 2015 khẳng định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự; Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng dân sự; đồng thời, bổ sung quy định Kiểm tra viên cũng là người tiến hành tố tụng và bổ sung 1 điều luật (Điều 59) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên để bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

BLTDS năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; theo đó, tiếp tục quy định các trường hợp VKS tham gia phiên tòa, phiên họp như Điều 21 BLTTDS hiện hành; đồng thời, bổ sung một số nội dung mới như: Bổ sung quy định VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS cũ về đương sự là “người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần”, thay bằng việc quy định cụ thể các đương sự là “người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. 

 Quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc phiên tòa, phiên họp phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS kháng nghị phúc thẩm. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên và của Viện kiểm sát.

 Điều 262 BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

 Về thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát, bổ sung quy định Kiểm sát viên khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này” (khoản 3 Điều 58); Quy định rõ: Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 6 Điều 97); Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng VKSNDTC và Viện trưởng VKSND cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết.

 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND. Theo đó, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.                                                                                      

Phương Nam