Thống nhất chỉ đạo thực hiện các quy định liên quan đến giải quyết các vụ án về ma túy
Tòa án - Ngày đăng : 08:16, 20/07/2016
Cần có sự thống nhất
Theo Báo cáo của VKSNDTC, để thực hiện thống nhất các quy định tại Chương VIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS 1999, ngày 2/12/2007, liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương này. Bên cạnh những mặt tích cực thì trong quá trình thực hiện, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự thống nhất về nhận thức khi giám định hàm lượng chất ma túy thu giữ theo quy định. Trước những khó khăn đó, VKSNDTC đã tổ chức hội nghị tổng kết và có những đề xuất giải pháp, kiến nghị gửi Bộ Công an là cơ quan chủ biên đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 17, tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện.
Ngày 17/9/2014, TANDTC ban hành Công văn số 234/TANDTC hướng dẫn các Tòa án địa phương giải quyết án ma túy, trong đó có nội dung bắt buộc phải giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội bị cáo. Sau đó, ngày 29/10/2014 TANDTC tiếp tục ban hành Thông báo số 264/TANDTC-TB, trong đó quy định việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xử phạt bị cáo (trọng lượng ma túy tinh chất, nguyên chất).
Cùng trong thời điểm này, trước những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai trong tố tụng hình sự, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương đã sửa đổi Thông tư 17 và ban hành Thông tư số 08 sửa đổi, bổ sung Thông tư 17. Nội dung Thông tư 08 quy định chỉ bắt buộc giám định hàm lượng chất ma túy đối với 04 trường hợp: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn, được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 08 của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương còn chưa thống nhất. Ngày 11/12/2015, TANDTC ban hành Công văn 315/TANDTC-PC và Công văn 110-CV/BCS. Trong Công văn 315, TANDTC quy định thêm các trường hợp phải giám định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy mà Thông tư 08 không quy định, gồm: những vụ án người phạm tội có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình; những vụ án mà trong giai đoạn xét xử, Tòa án xét thấy có đủ căn cứ xác định người có hành vi phạm tội đã pha trộn các chất không phải là ma túy, tiền chất vào ma túy, tiền chất…
Quang cảnh Hội nghị
VKSNDTC cho rằng, từ việc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 08 chưa có sự thống nhất dẫn đến gây nhiều khó khăn cho các cơ quan tố tụng, vì vậy tại hội nghị này cần đưa ra quan điểm thống nhất áp dụng liên ngành đối với các vụ án về ma túy.
Đề xuất sửa BLHS 2015
Tại hội nghị, các ý kiến nêu lên thực tiễn việc áp dụng các quy định này, những khó khăn, vướng mắc đồng thời kiến nghị những giải pháp tháo gỡ, để việc giải quyết án ma túy đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam cho biết, Công văn 234 của TANDTC đã thể hiện rõ hơn tinh thần Thông tư 17 đã ban hành. Trên cơ sở quy định của BLHS, về CCTP và phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự, Công văn 234 và Công văn 315 được ban hành hoàn toàn đúng pháp luật. Hiện nay, việc tiến hành giám định hàm lượng ma túy để phục vụ cho công tác xét xử khá nhanh chóng, thuận lợi, không có gì khó khăn. Việc giám định và kết luận rõ chất đó có phải là ma túy để kết luận người đó có phạm tội hay không là rất quan trọng.
Đại diện Bộ Công an băn khoăn về tình hình tội phạm ma túy hiện nay hết sức nghiêm trọng. Tại các địa bàn trọng điểm, cuộc chiến đấu với tội phạm ma túy hết sức cam go. Các công văn, Thông tư nêu trên đều thể hiện ý chí phòng chống tội phạm của các cơ quan tố tụng nên cần phải lựa chọn một văn bản chung để liên ngành thực hiện.
Đại diện Tòa cấp cao tại Hà Nội cũng cho rằng, cần có một đường lối xử lý giữa các văn bản nêu trên để áp dụng thống nhất. Vì nếu căn cứ Thông tư 08 như đã ban hành thì Tòa án rất khó áp dụng.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn giải thích thêm về hoàn cảnh ra đời của Công văn 234. Khi đó Hiến pháp 2013 mới được ban hành đã quy định Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý…có nhiều nguyên tắc liên quan đến TAND , trong đó có nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Điều 194 BLHS 1999 và Điều 1.4 Thông tư 17 hướng dẫn phải xác định hàm lượng chất ma túy để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy. Vậy nên Công văn 234 được ban hành để đã làm rõ hơn quy định này.
Sau khi sửa Thông tư 17 và Thông tư 08 được ban hành đã thể hiện sự không thống nhất, bất cập. Chính vì vậy TANDTC đã ban hành Công văn số 315 quy định: Trong trường hợp cần thiết thì Tòa án có quyền trưng cầu giám định bổ sung để Tòa án xét xử đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng nhận định, đang có sự hiểu và áp dụng không thống nhất Thông tư 08, Điều 1.4 Thông tư 17. Do vậy cần có trao đổi, thống nhất về các nội dung trên để sửa Thông tư 08 hoặc thống nhất chỉ đạo liên ngành thực hiện.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, tất cả văn bản đã xây dựng, ban hành đều hướng tới mục tiêu đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách tốt nhất, nhưng kiểm nghiệm thực tế vẫn có nhiều vướng mắc, bất cập cần sửa đổi.
Chánh án cũng kết luận một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là, thống nhất đề nghị sửa BLHS 2015 theo hướng: bổ sung thêm quy định về tiền chất ma túy; quy định rõ, ma túy ở dạng thô hay tinh chế và đề nghị VKSNDTC thay mặt các cơ quan tố tụng có Tờ trình báo cáo UBTVQH để sửa những nội dung này. Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa Thông tư số 17. Trong tố tụng hình sự, ma túy là chất phải bắt buộc giám định trong mọi trường hợp. Vì vậy, việc sửa Thông tư 17 phải quy định rõ trình tự, thủ tục giám định.
Chánh án TANDTC cũng đề nghị các cơ quan tố tụng cần cử ra một tổ công tác để tiến hành sửa Thông tư này trên cơ sở những Bộ luật về tố tụng mới được ban hành và tinh thần tại hội nghị. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2016, các cơ quan khi yêu cầu giám định phải nói rõ nội dung giám định đó có phải là chất ma túy hay không. Thông tư 17 và 08 ban hành trên cơ sở ý chí của liên ngành tư pháp Trung ương, nên phải chấp hành. Riêng đối với một số hướng dẫn của Tòa án, Chánh án sẽ họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC để bàn và sẽ có chỉ đạo.